Sát ngày Tết, nhu cầu đi lại, làm đẹp, làm sạch xe luôn tăng cao, trong khi nguồn nhân lực phục vụ lại giảm đi đột biến, nên giá những dịch vụ này tăng mạnh so với ngày thường.
Giá rửa xe tăng gấp 3 ngày thường
Hôm nay ngày 8-2 (tức 29 Tết) là ngày nghỉ đầu tiên trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngay từ sáng sớm, các cửa hàng rửa xe, đặc biệt là rửa ô tô ở Hà Nội đã nhộn nhịp khách ra vào.
Theo ghi nhận, không phải chỉ đến thời điểm hiện tại mà giá dịch vụ rửa xe tại Hà Nội đã đồng loạt tăng lên gấp 3 so với ngày thường. Cụ thể mức giá rửa xe tại khu vực Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Nam Trung Yên... xe 5 chỗ từ 180.000 đồng - 200.000 đồng/xe; xe 7 chỗ từ 230.000 đến 250.000 đồng/xe.
Sau những ngày tất bật về quê, sáng 29 Tết, anh Nguyễn Đức Hải (Cầu Giấy, Hà Nội) mới có thời gian đem xe ôtô đi rửa. Tới một tiệm rửa xe trên phố Khúc Thừa Dụ, anh Hải giật mình bởi chủ cửa hàng báo giá lên tới 250.000 đồng/xe. “Giá này cao gần 4 lần ngày thường khiến tôi hơi sốc, tuy nhiên cũng đành tặc lưỡi bởi ngày Tết ai cũng muốn du xuân với chiếc xe mới mẻ, sạch sẽ”, anh Hải chia sẻ.
Theo chia sẻ của những cơ sở rửa xe, nguyên nhân chính khiến giá rửa xe ngày Tết tăng cao là do số lượng xe làm dịch vụ vào thời điểm này tăng, trong khi đó phần lớn nhân viên đã nghỉ về quê, chỉ ít người có quê gần thì ở lại làm. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các chủ tiệm phải thuê thêm nhân viên với giá khá cao, có khi gấp 2-3 lần ngày thường. Mặt khác, cũng có những cơ sở lợi dụng tâm lý tiêu dùng chung là những ngày giáp Tết, nhu cầu tăng cao thì giá cũng tăng theo.
"Giá tăng do chúng tôi phải thuê thêm người bên ngoài về làm để đáp ứng kịp thời gian và nhu cầu của khách hàng. Càng sát Tết, giá càng tăng", anh Xuân Toàn - một chủ tiệm rửa xe ở Cầu Giấy, Hà Nội giải thích.
Đối với xe máy, thời điểm này, giá cũng tăng lên từ 45.000 - 50.000 đồng, trong khi đó, ngày thường có giá 20.000 - 30.000 đồng. Giá tăng nhưng lượng khách tại nhiều cửa hàng vẫn đông gấp 2-3 lần những ngày trước đó.
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Sơn - một chủ cửa hàng rửa xe tại phố Trần Văn Lai (Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm) cho biết ngày Tết xe đông, không có nhân viên nhưng để phục vụ và giữ khách nên mong được chia sẻ. “Từ chiều nay (29 Tết), tôi tháo khoán không thu tiền để nhân viên rửa được bao nhiêu thì chia nhau lấy tiêu Tết”, anh Sơn cho biết.
Dịch vụ làm đẹp tăng 20%
Tại nhiều cửa hàng tóc, spa làm đẹp mấy ngày cận Tết, lượng khách hàng đã bắt đầu tăng đột biến. Nhiều cơ sở làm đẹp mở cửa từ 3h sáng đến tận nửa đêm để phục vụ tối đa các "thượng đế".
Dịch vụ được lựa chọn nhiều như: Làm mi, móng, chăm sóc da mặt, phun xăm lông mày… giá các dịch vụ dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/lượt hoặc liệu trình.
Theo chị Ngân Hương (chủ một tiệm làm tóc ở Võng Thị, Tây Hồ, Hà Nội), từ 8h30 chị bắt đầu ca làm việc, có hôm cả chủ và nhân viên còn không thời gian để ăn.
Ngoài dịch vụ cắt, nhiều khách hàng nữ sẽ chọn thêm dịch vụ uốn, nhuộm màu hay dưỡng tóc. Tùy vào từng dịch vụ, giá dao động từ 500.000 - hơn 1 triệu đồng. Tất bật hấp tóc, pha màu, gội đầu cho khách, chị Hương không còn thời gian để ăn.
Khi khách đã vãn, ngẩng đầu lên đã 8h tối, chị Hương mới bắt đầu nghĩ đến ăn uống. “Chúng tôi thường làm đến khi nào hết khách thì mới ăn uống. Đôi khi tôi ăn trưa vào lúc... 19h”, chị Hương nói.
Với cường độ công việc lớn như vậy, thu nhập của chị Hương có thể tăng lên gấp đôi, dao động từ 20-25 triệu đồng trong tháng cao điểm này. Đặc biệt, càng sát Tết, giá dịch vụ làm đẹp càng được đẩy lên cao. Bình thường, giá gội đầu chỉ khoảng 35.000 đồng/lần, nhưng giáp Tết được đẩy lên tới 60.000 đồng/lần. Các dịch vụ cắt tóc, uốn, sấy… giá cũng tăng khoảng 20% so với bình thường. Để có được mái tóc ưng ý, mỗi khách hàng sẽ phải bỏ ra tiền triệu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.