Thị trường

Thị trường ô tô với chính sách giảm lệ phí trước bạ: Ghi nhận nhiều hiệu ứng tích cực

Hoàng Linh 09/12/2024 - 06:19

Thời gian qua, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Đáng chú ý, chính sách này còn tạo ra cú hích tăng trưởng cho thị trường ô tô, từ đó gián tiếp kích thích nền kinh tế trong giai đoạn cuối năm.

ba-thang-giam-le-phi-truoc-ba-da-tac-dong-toi-cac-nha-san-xuat-o-to-theo-nhieu-cach-khac-nhau..jpg
Ba tháng giảm lệ phí trước bạ đã có nhiêu tác động tới các nhà sản xuất ô tô.

Khép lại chính sách giảm lệ phí trước bạ

Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ dành cho ô tô lắp ráp trong nước đã kết thúc từ ngày 1-12-2024. Mức lệ phí trước bạ tiếp tục được áp dụng theo quy định cũ. Tuy nhiên, những tháng trước đó, thị trường ô tô ghi nhận sự sôi động bởi lệ phí trước bạ được giảm tới 50%, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng có thể tiết kiệm từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để sở hữu một chiếc ô tô. Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) ghi nhận, trong tháng 10-2024, lượng xe tiêu thụ đạt 38.761 chiếc, mức cao nhất kể từ đầu năm. Trước đó, trong tháng 9-2024, tháng đầu tiên triển khai chính sách giảm lệ phí trước bạ, lượng xe tiêu thụ đạt 36.585 chiếc, tăng 45% so với tháng 8-2024.

Trước thực tế đó, giới chuyên môn nhận định, đợt giảm lệ phí trước bạ thứ ba trong 3 năm qua tuy chỉ kéo dài 3 tháng (thay vì 6 tháng như những năm trước) nhưng đã có ảnh hưởng lớn, tạo được cú hích giúp thị trường ô tô tăng trưởng doanh số, kích cầu tiêu dùng. Cải thiện doanh số đặc biệt lớn là các nhà sản xuất có tỷ lệ lắp ráp trong nước cao, như Toyota tháng 9-2024 bán ra 7.143 xe, tăng trưởng 50% so với tháng 8. Hãng Hyundai tháng 9-2024 cũng bán ra 6.518 xe, tăng tới 39,3% so với tháng 8. Tháng 10 và 11 cũng liên tiếp chứng kiến doanh số của Toyota vượt mốc kỷ lục 8.000 xe/tháng, tương đương mức tăng gần 25% so với tháng 9. Lãnh đạo một hệ thống đại lý Ford cho biết, với kinh nghiệm từ những đợt giảm lệ phí trước bạ trước, các nhà sản xuất xe năm nay có sự chuẩn bị về nguồn cung, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm.

Dĩ nhiên, không phải đơn vị nào cũng có thể tận dụng được lợi thế của chính sách này. Đại lý Mercedes-Benz Bình Dương cho biết, doanh số các dòng xe sang lắp ráp trong nước không ghi nhận đột biến trong giai đoạn này. Trong khi đó, “chi phí lăn bánh” của xe lắp ráp trong nước giảm đã tạo ra áp lực không nhỏ lên sản phẩm nhập khẩu. Theo đại diện Volkswagen Việt Nam, để duy trì sức cạnh tranh cho các xe nhóm này, hãng áp dụng loạt ưu đãi, giảm giá tối thiểu tương đương mức giảm lệ phí trước bạ cho hầu hết sản phẩm, trừ một số mẫu vừa ra mắt.

Sức mua xe sẽ suy giảm dịp cận Tết

Lệ phí trước bạ giảm 50% đã “giải phóng” đáng kể sức mua trước thềm dịp Tết Nguyên đán, vốn là cao điểm mua sắm. Diễn biến này đồng nghĩa doanh số ô tô thời gian tới có thể suy giảm. Một số ý kiến trong ngành còn bi quan, lượng xe bán ra trong tháng cuối năm có thể chỉ đạt khoảng 70% so với kịch bản không diễn ra 3 tháng giảm lệ phí trước bạ vừa qua.

Ứng phó viễn cảnh ảm đạm, nhiều nhà sản xuất lúc này tiếp tục duy trì ưu đãi. Ford Việt Nam giảm giá mạnh với dòng xe Territory xuống mức tương đương có hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ. Bản Trend giảm từ 799 triệu đồng xuống còn 759 triệu đồng, bản Titanium X giảm từ 929 triệu đồng xuống còn 889 triệu đồng… Ở nhóm xe cao cấp, Mercedes-Benz Việt Nam hỗ trợ tương đương 50% lệ phí trước bạ cho xe S450 và một số mẫu AMG; tặng bảo hiểm vật chất và giảm đến 80 triệu đồng cho khách mua xe. Volkswagen Việt Nam duy trì ưu đãi cho hầu hết xe trong danh mục, với mục tiêu khẳng định sự hiện diện thương hiệu và thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.

Những biện pháp trên không thừa, nhất là khi doanh số cuối năm thường bị ảnh hưởng bởi khả năng cung ứng xe từ các nhà máy. Năm 2025 cận kề cũng khiến các dây chuyền sản xuất tìm cách cắt giảm sản lượng, trong khi đơn vị nhập khẩu hạn chế đặt xe mới về, để tránh rủi ro dư thừa xe mang mác “đời cũ”. Một nhân viên kinh doanh tại đại lý Hyundai Vinh xác nhận tình trạng này và cho biết, hoạt động kinh doanh nhiều nơi cầm chừng do nguồn cung xe từ nhà máy gần như đã “đóng băng”. Nếu tình trạng này lan rộng, nhiều người có nhu cầu mua xe lúc này dù có thể tiếp cận báo giá tốt, nhiều ưu đãi, nhưng khó nhận xe sớm.

Vào năm 2025, nhiều ý kiến nhận định, thị trường ô tô Việt Nam chưa thực sự trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững, có thể vẫn phải viện tới các biện pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu được triển khai, những gói “tăng lực” mới cần bám sát hơn nhóm doanh nghiệp khó khăn, cũng như tập trung hỗ trợ "vùng đáy" chu kỳ mua sắm hằng năm, như dịp sau Tết Nguyên đán, tháng “ngâu”…

Dù còn hiệu ứng ngoài ý muốn, song chính sách giảm lệ phí trước bạ năm nay rõ ràng tiếp tục mang đến những tác động rõ rệt và tích cực. Thị trường ô tô sôi động cũng tạo ra hiệu ứng dây chuyền, giúp các ngân hàng tăng trưởng tín dụng và doanh thu, đồng thời tạo động lực cho các ngành công nghiệp phụ trợ, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển trong giai đoạn cuối năm 2024.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường ô tô với chính sách giảm lệ phí trước bạ: Ghi nhận nhiều hiệu ứng tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.