(HNM) - Trước thực trạng về dạy thêm, học thêm (DTHT) diễn ra tràn lan, gây bức xúc cho nhiều phụ huynh học sinh trong suốt thời gian dài, Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành quy định mới về DTHT.
Quy định được đánh giá là đã thống nhất nguyên tắc quản lý DTHT theo hướng chặt chẽ hơn, bảo đảm quyền lợi cho cả người dạy và người học. Song, dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn.
Để quản lý tốt dạy thêm, học thêm, ngay từ đầu năm các trường học cần cho các thầy cô đăng ký số giờ được dạy thêm trong năm. Ảnh: Trung Kiên |
Ông Nguyễn Thanh Hà (Trường Trung cấp Kỹ thuật Phòng không - Không quân):
Quy chế phối hợp trong quản lý phải rõ ràng
Tôi cho rằng, Bộ GD-ĐT cho phép DTHT là đúng, song để việc này không bị biến tướng thì cần có các biện pháp quản lý hiệu quả. Trong quy định mới của Bộ GD-ĐT đã đưa ra các quy định khá chặt, song nếu không có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng thì những quy định đó cũng khó được thực hiện nghiêm túc. Muốn đạt được hiệu quả trong quản lý DTHT quy chế liên kết, phối hợp thực hiện giữa các cơ quan chức năng phải rõ ràng, nghiêm túc và sự giám sát quy trình hoạt động này phải chặt chẽ hơn.
Bà Nguyễn Thị Mai (phường Quang Trung, quận Hà Đông):
Không thể cấm, nếu...
Bộ GD-ĐT đã từng ban hành rất nhiều thông tư, văn bản về việc cấm DTHT dưới mọi hình thức nhưng rồi đâu lại vào đó. Không bằng cách này thì cách khác, việc DTHT của giáo viên trên khắp cả nước vẫn không ngừng gia tăng. Thầy, cô giáo cũng là con người, nên kiếm tiền thêm cũng là hoạt động bình thường. Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu làm sao để cải thiện chất lượng dạy, học, phân phối chương trình hợp lý, giảm tải chương trình, thì tự nhiên học sinh sẽ không cần thiết phải đi học thêm nữa. Còn việc học thêm chuyên sâu với mục đích thi học sinh giỏi, du học... hoặc các em học yếu cần phụ đạo, thời nào cũng có.
Sinh viên Nguyễn Thu Huyền (Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội):
Các nhà giáo cần nâng cao tinh thần trách nhiệm
Tôi sinh ra, lớn lên ở một tỉnh lẻ, nhà nghèo, không có điều kiện để học thêm, mọi kiến thức tôi chỉ được lĩnh hội từ các thầy, cô giáo dạy trên lớp và học thêm ở các buổi bồi dưỡng học sinh giỏi do nhà trường tổ chức. Trong số sinh viên đạt điểm cao trong kỳ thi đại học, tôi thấy có nhiều người ở tỉnh lẻ, không qua các "lò" luyện, không học thêm quá nhiều… Để có kết quả đó, người học phải có tư chất, biết tự học hỏi và thêm một điều quan trọng là phải được những người thầy tâm huyết truyền đạt kiến thức. Bởi lẽ, nếu giáo viên tâm huyết, yêu nghề, thì họ không biến việc DTHT thành công cụ để buộc học sinh phải theo học. Mặc dù, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy định về DTHT, nhưng nếu giáo viên thiếu trách nhiệm thì những quy định đó cũng sẽ dễ dàng bị họ biến tướng, nhiều điều kiện bắt buộc sẽ được hợp thức hóa vì học sinh, phụ huynh gần như phải phụ thuộc quá nhiều vào thầy, cô.
Ông Nguyễn Văn Thu (phường Định Công, quận Hoàng Mai):
"Đẻ" thêm cơ chế "xin - cho"...
Tôi rất đồng tình với những quy định về DTHT của Bộ GD- ĐT đề ra. Tuy nhiên những quy định này có mặt trái của nó là "đẻ" thêm cơ chế "xin - cho": Giáo viên muốn dạy thêm phải "xin" hiệu trưởng. Bộ có bảo đảm là không có tiêu cực xảy ra từ quy định này? Tôi dám cam đoan 100% sẽ có tình trạng lo lót cho ai có thẩm quyền ký DTHT và chắc chắn tình trạng DTHT không giảm, mà học phí DTHT sẽ tăng. Tất nhiên, chi phí đó lại do phụ huynh học sinh gánh chịu và cuối cùng vẫn khổ người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.