Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát hiện hành tinh giống Trái đất nằm rất gần chúng ta

Theo Phúc Thịnh/Zing| 24/12/2019 08:12

Các nhà thiên văn học vừa phát hiện GJ 1252 b - ngoại hành tinh (hành tinh ngoài hệ Mặt trời) lớn hơn Trái đất một chút, quay quanh sao lùn đỏ và cách chúng ta 66,5 năm ánh sáng.

Theo Science Alert, đây là hành tinh phù hợp để nghiên cứu về sự sống trong dải ngân hà, đồng thời giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các hành tinh nằm rải rác trong vũ trụ này.

Với kết cấu giống hành tinh của chúng ta, các ngoại hành tinh như GJ 1252 b là cơ hội cho việc tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất. Ảnh: Sci-News.com.

Kích thước của GJ 1252 b bằng khoảng 1,2 lần, khối lượng nặng gấp đôi Trái đất. Nó quay quanh ngôi sao lùn đỏ tên GJ 1252 với kích thước, khối lượng bằng 40% Mặt trời.

Thời gian để GJ 1252 b quay quanh "Mặt trời" của riêng nó là 12,4 giờ. Khoảng cách 66,5 năm ánh sáng được xem là đủ gần để quan sát hành tinh từ Trái đất bằng phương pháp theo dõi sự quay của nó quanh ngôi sao lùn đỏ GJ 1252 (còn gọi là quá cảnh - transit).

Nếu hành tinh này có khí quyển, nó sẽ được chiếu sáng lại bởi ánh sáng của GJ 1252 (quá cảnh), hiện tượng mà các nhà thiên văn có thể quan sát bằng kính viễn vọng.

Ngoại hành tinh đầu tiên được chúng ta phát hiện vào năm 1992. Hiện con người đã xác nhận sự tồn tại của hơn 4.100 ngoại hành tinh, tuy nhiên rất khó quan sát vì chúng nằm khá xa.

Các nhiệm vụ như Kepler (giờ là TESS) đã tìm thấy nhiều ngoại hành tinh phần lớn có kết cấu giống Trái đất (hành tinh đất đá), song việc nghiên cứu gặp khó khăn vì các ngôi sao mà chúng quay quanh không đủ sáng.

Cơ hội nghiên cứu sâu hơn về các ngoại hành tinh mới thực sự mở ra khi tìm thấy GJ 1252 b quay quanh sao lùn với khoảng cách đủ gần.

GJ 1252 b chỉ là một trong các hành tinh đất đá mà nhiệm vụ TESS phát hiện trong thời gian gần đây.

Vào tháng 9-2018, ngoại hành tinh Pi Mensae c và LHS 3844 b được tìm thấy cách Trái đất tương đương 60 và 49 năm ánh sáng; sau đó có thêm TOI-270 b cách 73 năm ánh sáng; Teegarden b và Teegarden c cách 12,5 năm ánh sáng; Gliese b, Gliese c, Gliese d cách 12 năm ánh sáng.

Ngoại hành tinh Pi Mensae c được chụp vào tháng 8-2018 bởi kính viễn vọng TESS của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Ảnh: NASA.

Càng nhiều hành tinh đất đá được phát hiện, các nhà nghiên cứu càng có thêm dữ liệu để phân tích các yếu tố cấu tạo nên sự sống trong dải ngân hà.

Với bề mặt cứng, khối lượng thấp giống các hành tinh thuộc hệ Mặt trời, những hành tinh như GJ 1252 b là cơ hội cho việc tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất, nhiệm vụ mà chúng ta theo đuổi suốt hàng chục năm qua.

Video: Điều gì xảy ra nếu Trái đất là hành tinh duy nhất trong hệ Mặt trời?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện hành tinh giống Trái đất nằm rất gần chúng ta

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.