(HNM) - Với bệnh nhân HIV/AIDS, điều trị ARV (thuốc kháng vi rút HIV) cần liên tục và suốt đời. Hết năm 2018, nguồn viện trợ thuốc ARV điều trị miễn phí của các tổ chức quốc tế cho bệnh HIV tại Việt Nam đã kết thúc. Điều này tưởng chừng như ảnh hưởng đến việc điều trị của người bệnh cũng như mục tiêu khống chế thành công dịch bệnh HIV/AIDS tại nước ta. Thế nhưng, từ năm 2019, Quỹ bảo hiểm y tế đã trở thành “phao cứu sinh” cho những người nhiễm HIV.
85,3% bệnh nhân điều trị ARV có bảo hiểm y tế
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đến hết năm 2018, thành phố đã ghi nhận 21.038 trường hợp nhiễm HIV/AIDS còn sống. Hà Nội duy trì 22 phòng khám ngoại trú cho bệnh nhân HIV, trong đó có hơn 9.148 người đang được điều trị ARV.
Năm 2019, cùng với cả nước, thành phố triển khai cấp thuốc ARV bằng nguồn bảo hiểm y tế (BHYT) tại 5 cơ sở điều trị, gồm: Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, Trung tâm Y tế quận Long Biên, Trung tâm Y tế quận Đống Đa, Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm. Hà Nội cũng đã phê duyệt kinh phí 1,6 tỷ đồng để hỗ trợ cùng chi trả thuốc ARV cho bệnh nhân HIV có thẻ BHYT. Tính đến hết tháng 7-2019, thành phố đã có 7.801 người nhiễm HIV đang điều trị ARV có thẻ BHYT (chiếm 85,3%).
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, với người nhiễm HIV, nguy cơ ốm đau nhiều hơn người khác và điều trị bằng thuốc ARV là liên tục và suốt đời. Ước tính, một người nhiễm HIV khi điều trị bằng thuốc ARV thì quỹ BHYT phải chi trả khoảng 6-13 triệu đồng/người/năm cho tiền thuốc và các chi phí xét nghiệm, thuốc nhiễm trùng cơ hội… Nếu không tham gia BHYT, người nhiễm HIV rất khó có đủ khả năng chi trả chi phí điều trị. Tuy nhiên, khi tham gia BHYT, bệnh nhân sẽ được cung cấp thuốc ARV định kỳ theo chỉ định chuyên môn và theo tình trạng sức khỏe. Việc cấp phát thuốc này thông qua cơ sở điều trị, nghĩa là bệnh nhân đăng ký, được cấp thuốc từ kinh phí do BHYT chi trả.
Nằm trong danh sách những bệnh nhân đầu tiên điều trị ARV bằng thẻ BHYT, chị N.H.T. (ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: "Từ năm 2009, tôi phát hiện mình bị nhiễm HIV. Khi được sử dụng thuốc ARV, tôi thấy sức khỏe tốt lên rất nhiều. Trước kia, mỗi khi lấy thuốc tôi đều rất lo ngại về chi phí, nhưng kể từ khi có thẻ BHYT, tôi được cấp thuốc liên tục tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm mỗi tháng 1 lần. Việc sử dụng thuốc ARV một cách đều đặn, giúp tôi nâng cao sức khỏe, kiên trì, quyết tâm chiến đấu với HIV và sống hòa nhập với cộng đồng, xã hội".
Còn anh B.M.H. (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Tôi bị nhiễm HIV đến nay đã được 11 năm. Khi phát hiện mình bị bệnh, tôi đã tuân thủ việc sử dụng thuốc ARV để phòng ngừa lây nhiễm cho vợ con và những người thân trong gia đình. Nếu không có BHYT chi trả, mỗi tháng phải bỏ ra vài triệu tiền thuốc ARV là điều quá sức với gia đình tôi. Sự hỗ trợ này như một “phép màu”, giúp những người nhiễm HIV vơi đi gánh nặng tài chính".
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh, đến nay, Việt Nam là nước duy nhất huy động nguồn lực trong nước thông qua BHYT để chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV/AIDS. Tuy nhiên, nhiều người nhiễm HIV/AIDS lo bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên không muốn cung cấp thông tin để tham gia BHYT...
Hướng tới khống chế dịch bệnh HIV/AIDS
Tại Hà Nội, trong 10 năm qua, cả 2 tiêu chí là số người nhiễm mới, số người chuyển sang giai đoạn AIDS hằng năm đều giảm. Hà Nội đang tích cực hoàn thành kế hoạch phòng chống HIV, hướng tới mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020. Cụ thể là 90% tổng số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% số người biết được tình trạng nhiễm của bản thân được điều trị thuốc ARV và 90% số người được điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế, giảm nguy cơ lây truyền…
Để thực hiện mục tiêu trên, bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết: "Thuốc kháng vi rút ARV là giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe của người nhiễm HIV và bảo vệ cộng đồng khỏi sự lây lan của dịch bệnh. Điều trị ARV sớm có thể làm giảm 41% mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và giảm nguy cơ tử vong; giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%. Chính vì vậy, ngoài sự hỗ trợ của ngân sách thì chúng tôi xác định chiến lược lâu dài là dùng BHYT để duy trì việc điều trị bằng ARV tại các cơ sở y tế. Hà Nội đang phấn đấu 100% bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT để làm các xét nghiệm, theo dõi, điều trị bệnh. Người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ mua thẻ BHYT".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế cũng đề xuất với UBND thành phố sử dụng Quỹ Hỗ trợ phòng, chống dịch, bệnh nguy hiểm để mua thẻ BHYT cho các bệnh nhân HIV. Trong thời gian tới, bên cạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV, Sở Y tế sẽ tăng cường công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông cho những người nhiễm HIV, người đang điều trị bằng ARV về tầm quan trọng của BHYT. Mặt khác, tham mưu xây dựng cơ chế, nguồn tài chính bền vững để hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT, đồng thời chỉ đạo, triển khai chống kỳ thị, phân biệt đối xử tại các cơ sở khám chữa bệnh để người nhiễm HIV yên tâm đến điều trị. Từ đó, góp phần khống chế thành công dịch bệnh HIV/AIDS trên địa bàn thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.