(HNM) - Trong những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, chúng ta đã đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS; tiếp tục duy trì triển khai các hoạt động can thiệp giảm hại và biện pháp dự phòng thế hệ mới; ứng dụng công nghệ trong quản lý và giám sát dịch HIV...
Đặc biệt, nước ta đã tiến hành xét nghiệm sàng lọc HIV bao phủ 100% tuyến huyện với hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV bao phủ 100% tuyến tỉnh, thành phố với 204 phòng xét nghiệm. Về công tác điều trị, hiện có 499 cơ sở điều trị HIV/AIDS, trong đó có 362 cơ sở đang điều trị thuốc ARV bằng bảo hiểm y tế…
Dù vậy, HIV/AIDS vẫn đang là gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Trong 2 năm trở lại đây, số ca nhiễm mới HIV tiếp tục tăng, mỗi năm có tới hơn 13 nghìn ca. Đáng lưu ý, hình thái lây nhiễm HIV tại Việt Nam đang có sự thay đổi, tăng chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ với 50% số ca nhiễm phát hiện mới là người dưới 29 tuổi. Con đường lây truyền chính là qua đường quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 74,6%, tập trung ở nhóm thanh niên.
Trước những diễn biến mới phức tạp và khó lường hơn, các bộ, ngành, địa phương và toàn dân cần chung tay hành động đẩy lùi HIV/AIDS, không để ai bị bỏ lại phía sau trong phòng, chống loại dịch bệnh nguy hiểm này.
Căn cứ Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14-8-2020), các bộ, ngành, địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch cho từng giai đoạn và từng năm, triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thiết thực, đến tận cơ sở và người dân; tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm đầy đủ tài chính cho công tác này hoạt động hiệu quả.
Ngành Y tế cần tiếp tục tăng cường, mở rộng số lượng và nâng cao chất lượng các dịch vụ xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại như cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Đặc biệt, cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, nhất là dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng vi rút; người có hành vi nguy cơ cao tiếp cận sớm dịch vụ xét nghiệm HIV; người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV sớm và tuân thủ điều trị.
Một vấn đề cũng cần lưu ý là với thực tế số người trẻ bị lây nhiễm HIV đang tăng và chúng ta không thể kết thúc đại dịch AIDS nếu không có sự tham gia tích cực của lực lượng thanh niên. Do vậy, Đoàn thanh niên các cấp cần tăng cường nâng cao nhận thức cho thanh niên về sự nguy hiểm của HIV/AIDS cũng như vai trò của lực lượng này trong việc đạt được mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS. Mỗi đoàn viên thanh niên phải là một tuyên truyền viên tích cực trong tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS. Các tổ chức cộng đồng cần tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS như tham gia góp ý xây dựng chính sách, việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm đối tượng... Đặc biệt, ngành Y tế và các ngành chức năng cần sớm nghiên cứu, đề xuất tham mưu cho cấp có thẩm quyền về việc tạo môi trường và cơ chế thuận lợi cho sự tham gia của các tổ chức xã hội trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS bằng nguồn ngân sách trong nước.
Cùng chung tay đẩy lùi HIV/AIDS là hành động thiết thực góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân và nâng cao chất lượng dân số.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.