Sáng 24-11, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam phối hợp với Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam và Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức chương trình “Sự kiện hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống AIDS năm 2023 với Mạng lưới quốc gia phụ nữ sống với HIV”.
Theo bà Caroline Nyamayemombe, Quyền trưởng Văn phòng UN Women Việt Nam, chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống AIDS và Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay nhấn mạnh vai trò sáng tạo và tầm quan trọng của những đóng góp của cộng đồng người sống với HIV, người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và chịu ảnh hưởng bởi HIV vào các nỗ lực chung của quốc gia nhằm khống chế dịch HIV và thực hiện các mục tiêu quốc gia về chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, để HIV và AIDS sẽ không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng.
Số liệu báo cáo của chương trình phòng, chống HIV của Việt Nam những năm gần đây cho thấy, dịch HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và phụ nữ chuyển giới đang gia tăng.
Lây truyền HIV qua đường tình dục chiếm hơn 80% tổng số ca nhiễm HIV mới được phát hiện trong năm 2021-2023, trong đó, nhóm vợ, bạn tình của nam giới sống với HIV và nam giới có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV chiếm không nhỏ.
Số người mới phát hiện nhiễm HIV đang trẻ hóa, với nhóm thanh, thiếu niên trong độ tuổi 16-29 chiếm khoảng 50%. Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng còn gặp nhiều thách thức, độ bao phủ điều trị HIV cho phụ nữ mang thai có HIV bị giảm sút kể từ năm 2020.
Các phụ nữ trẻ, đặc biệt là phụ nữ thuộc các nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV tiếp tục chịu ảnh hưởng nhiều hơn do thiếu kiến thức và hiểu biết về HIV. Cụ thể, chưa đến 50% phụ nữ trong độ tuổi 15-49 có hiểu biết đúng và toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV và tỷ lệ này trong phụ nữ ở độ tuổi 15-24 còn thấp hơn nhiều. Gần ¼ số phụ nữ chuyển giới cho biết họ có trải nghiệm bị kỳ thị trong cộng đồng vì liên quan đến tình trạng nhiễm HIV.
Thảo luận với các chuyên gia và thảo luận sâu trong Mạng lưới quốc gia phụ nữ sống với HIV tại sự kiện này góp phần thu thập khuyến nghị từ tất cả các bên liên quan, để xác định các hành động cần thiết thời gian tới, nhằm đẩy mạnh hơn nữa vai trò và những đóng góp của Mạng lưới quốc gia phụ nữ sống với HIV, hướng tới mục tiêu không chị em phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.