(HNM) - Trân trọng chiến công của những người đã làm nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", đúng dịp kỷ niệm 40 năm sự kiện này, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã cho ra mắt bạn đọc bộ sách gồm 15 tác phẩm của các tác giả là những nhân chứng đã tham gia chiến dịch 12 ngày đêm đánh B-52 trên bầu trời Hà Nội. Bộ sách quý sẽ đưa bạn đọc trở về quá khứ với những hình ảnh, câu chuyện vừa bi hùng, vừa đẹp đẽ của những giây phút lịch sử không thể nào quên.
15 tác phẩm gồm các thể loại: hồi ức, ký, thơ, lý luận tuyên truyền… qua cách thể hiện của các tác giả đã và đang khoác áo lính, thêm một lần nữa khẳng định, cùng với những chiến công to lớn khác, chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là một mốc son chói lọi, một kỳ tích vô song, có giá trị trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Một số tác phẩm trong bộ sách “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. |
Đại tá, TS Phạm Bá Toàn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cho biết: "Những tác phẩm trong bộ sách này giúp bạn đọc thấy rõ tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thắng lợi, kinh nghiệm quý báu để vận dụng, phát huy. Các tác phẩm không chỉ cung cấp thông tin, tư liệu, định hướng giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chiến thắng vĩ đại, càng thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc ta, quân đội ta dưới sự lãng đạo của Đảng, tôn vinh những giá trị cao đẹp của bộ đội Cụ Hồ; góp phần để thế hệ trẻ trong và ngoài quân đội tin tưởng rằng phát huy truyền thống đó, với bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam chúng ta nhất định sẽ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".
Hình ảnh về một Hà Nội đau thương nhưng quật cường trong quá khứ, về cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân miền Bắc trong suốt 12 ngày đêm khói lửa là điểm nhấn xuyên suốt trong tác phẩm "Bản hùng ca bất tử" của Đại tá Nguyễn Phương Diện. Cuốn sách đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Quân ủy TƯ và Bộ Quốc phòng, đồng thời khắc họa đậm nét cuộc chiến đấu toàn dân, toàn diện, sự đoàn kết hiệp đồng của các lực lượng phòng không ba thứ quân. Đọc các tác phẩm: "Rồng lửa Việt Nam", "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - Ký ức một thời", "Thành phố nở hoa", "Trăng tháng Chạp", bạn đọc sẽ thấy quân và dân ta đã giăng trên bầu trời Hà Nội một mạng lưới lửa "khủng khiếp chưa từng có" với đủ mọi tầm, mọi hướng, tạo ra những "bức tường chì" kinh khủng đối với giặc lái Mỹ.
Phải chiến đấu dưới làn đạn quân thù, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh nhưng những áng văn chương, những bài thơ của chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu đánh B-52 vẫn ra đời trong khói lửa chiến tranh. Điều đó được thể hiện rõ nét trong tác phẩm thơ "Trăng tháng Chạp" của Thiếu tướng Vũ Anh Thố. "Với tôi, những đêm tháng Chạp năm 1972 vô cùng đặc biệt. B-52 cháy sáng bầu trời Hà Nội, khói đặc quánh, màu lửa bao trùm khắp TP như chiếu sáng tâm hồn của những chiến sĩ yêu nước, quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược. Vì thế tôi đã viết bài thơ Trăng tháng Chạp" - Thiếu tướng Vũ Anh Thố chia sẻ.
"Người lính với bầu trời Hà Nội" đã ghi lại chi tiết cuộc đời riêng của Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đình Kiên. Sinh ra, lớn lên trên mảnh đất nghèo miền Trung, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông đã trở thành người lính phòng không chiến đấu bảo vệ bầu trời trong suốt 40 năm, trong đó có hơn nửa thời gian trực tiếp tham gia bảo vệ bầu trời Hà Nội. Toàn bộ cuốn hồi ức "Người lính với bầu trời Hà Nội" của ông là những trang viết xúc động. Người đọc sẽ rơi nước mắt ngay từ những trang đầu tiên bởi sự chân thực, không màu mè. Những nhân vật trong tác phẩm đều là những con người có thực, thể hiện ý chí quyết tâm chiến đấu và niềm tin tất thắng. Khi bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên của địch, ông đã ghi lại rằng: "Đây là chiến công đầu tiên của mình và cũng là chiếc máy bay đầu tiên tiểu đoàn bắn rơi. Điều đó mang lại niềm vui và niềm tin to lớn cho mọi người. Sau mấy năm làm sĩ quan điều khiển, nhưng lần này mình mới được đánh trận thứ ba, một trận đánh hoàn chỉnh mang lại niềm tin và tự hào cho mình và cho đơn vị. Lúc bước vào trận đánh, tự nhiên mình quên hết mọi chuyện trên đời và trước mắt mình chỉ còn lại là những điểm sáng tượng trưng cho kẻ thù hung bạo mà mình cần phải xóa nó đi". Và chiến thắng của bộ đội Phòng không - Không quân Hà Nội trong chiến dịch 12 ngày đêm đã được ông lý giải: "Sở dĩ chúng ta chiến thắng vì các chiến sĩ tên lửa của ta có lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần chiến đấu dũng cảm và sự thông minh, sáng tạo trong sử dụng vũ khí - khí tài của bạn để tạo nên những cách đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao".
15 cuốn sách của các nhân chứng tham gia 12 ngày đêm sẽ là tài liệu vô giá lưu lại cho đời sau về một cuộc chiến không cân sức trong những ngày cuối năm 1972. Không có tham vọng thuật lại chiến thắng quân sự lẫy lừng cách đây 40 năm nhưng những tác phẩm này đã khắc họa nên chân dung những người lính đối mặt với thử thách nghiệt ngã của chiến tranh bằng bản lĩnh và sự kiên cường hiếm có.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.