Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những “trái ngọt” trong lĩnh vực khoa học

Lê Mai| 06/11/2018 06:48

(HNM) - Nhiều phụ nữ đã chọn cho mình con đường khó khăn khi dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học - địa hạt mà nam giới vẫn đang chiếm ưu thế.

Những nghiên cứu gắn với đời sống

Không chỉ được ghi nhận trong cộng đồng khoa học Việt Nam, nhiều nhà khoa học nữ còn được cộng đồng khoa học quốc tế vinh danh vì đã có nhiều công trình nghiên cứu thiết thực.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài, Trưởng khoa Dược, Trường Đại học Y dược (Đại học Huế) đã được trao giải thưởng: Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học của Quỹ L’Oréal và UNESCO 2017 vì tìm ra những sản phẩm ứng dụng làm thuốc từ nguồn dược liệu y học dân tộc cổ truyền và nghiên cứu phát triển tìm kiếm thuốc mới trong định hướng phát triển sản phẩm giảm cân, sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, suy giảm trí nhớ ở người già.

Tiến sĩ Hà Phương Thư (thứ hai từ bên phải) hướng dẫn nhóm nghiên cứu.


Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Dung, Trưởng phòng Công nghệ thân thiện môi trường, Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được đánh giá cao vì những nghiên cứu mang tính ứng dụng về vật liệu nano trong các loại sản phẩm như băng gạc điều trị vết thương, vết loét lâu lành, bộ dụng cụ lọc dùng cho mục đích làm sạch nước quy mô gia đình, sản phẩm phòng, chống ô nhiễm môi trường, dung dịch vệ sinh phụ nữ...

Tiến sĩ Trần Phương Thảo, giảng viên Bộ môn Hóa dược, Trường Đại học Dược Hà Nội được chọn trao học bổng Nhà nghiên cứu khoa học nữ tài năng 2017 L’Oreal - UNESCO với đề tài Nghiên cứu phát triển dẫn chất mới ức chế enzyme Glutaminyl cyclase hướng điều trị bệnh Alzheimer.

Tiến sĩ Hoàng Thị Đông Quỳ, Trưởng bộ môn Vật liệu polymer và composite, Khoa Khoa học và công nghệ vật liệu, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh được vinh danh với đề tài có kết quả tổng hợp thành công vật liệu polymer nanocomposite có tính chất nhiệt cao và khả năng chống cháy tốt, nhằm ứng dụng trong lĩnh vực xây dựng và giao thông vận tải. Vật liệu này được tổng hợp trên nguồn nguyên liệu tái chế hoặc từ các polyol từ nguồn tự nhiên nhằm thay thế nguyên liệu truyền thống từ nguồn hóa dầu.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lệ Thu, Khoa Công nghệ vật liệu, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh được ghi nhận với đề tài Nghiên cứu chế tạo vật liệu silicon thông minh có khả năng “nhớ hình” và “tự lành”, ứng dụng làm vật liệu y sinh cấy ghép và màng phủ tự làm lành vết xước.

Là một trong hai nhà khoa học tiêu biểu của Việt Nam trong danh sách 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2017, Tiến sĩ Hà Phương Thư, Trưởng phòng Vật liệu nano y sinh, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trước đó đã vào danh sách “50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017” do Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn. Một trong những nghiên cứu khoa học nổi bật của chị đã được ứng dụng hiệu quả là chế tạo thành công Phức hệ Nano FGC với điểm đột phá là sử dụng toàn bộ nguyên liệu từ cây cỏ Việt Nam như tam thất, nghệ vàng và rong biển với mục đích chống ung thư, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư mà không làm hại các tế bào lành. Đến nay Tiến sĩ Hà Phương Thư đã có 30 công bố về lĩnh vực nano y sinh trên các tạp chí quốc tế.

Tận dụng cơ hội của thời đại

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, thực tế cho thấy, những năm qua, tỷ lệ phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học không ngừng tăng và ngày càng có nhiều người thành công trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Với những nghiên cứu của mình, các chị đã đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. Thứ trưởng đánh giá cao vai trò và sự đóng góp cũng như những cống hiến và tinh thần làm việc của các nữ trí thức với nhiều hoạt động thiết thực và rất có ý nghĩa. Rất nhiều sản phẩm của các nhà khoa học nữ đã và đang đi vào đời sống xã hội, góp phần phát triển kinh tế, đem lại sức khỏe cho người dân.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới nhận định, ở Việt Nam, phụ nữ là lực lượng quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, vai trò của họ trong tham gia nghiên cứu khoa học còn gặp nhiều khó khăn do rất nhiều yếu tố như rào cản về ngôn ngữ, năng lực hội nhập và khả năng tư vấn phản biện chính sách mới… Bên cạnh đó, so với nam giới, phụ nữ thiếu thời gian tham gia nghiên cứu khoa học và ít được động viên, khuyến khích theo đuổi một số lĩnh vực, nhất là lĩnh vực khoa học tự nhiên. Để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong nghiên cứu khoa học, theo Phó Giáo sư Trần Thị Minh Thi, cần tăng cường đầu tư cho giáo dục, sử dụng lao động nữ hợp lý, chính sách xã hội phải phản ánh được lợi ích và nguyện vọng của phụ nữ.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cho biết, hiện Hội có khoảng 3.100 hội viên, trong đó 70% hội viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Tuy nhiên, không ít nhà nữ khoa học chưa phát huy được tài nguyên trí tuệ của mình hiệu quả nhất. Theo Giáo sư Phạm Thị Trân Châu, cơ hội đang có nhiều, nhưng chị em có tận dụng được cơ hội ấy hay không còn tùy thuộc vào mỗi người. Bản thân phụ nữ cần có quyết tâm cao thì mới tận dụng được những thuận lợi từ các chính sách hiện nay của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực khoa học công nghệ. Vậy nên, theo Giáo sư Phạm Thị Trân Châu, đông đảo chị em trí thức hãy luôn thường trực ý thức, quyết tâm tận dụng các cơ hội của thời đại để tạo ra nhiều hơn nữa các công trình nghiên cứu thiết thực với đời sống xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “trái ngọt” trong lĩnh vực khoa học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.