Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những bất thường trong nhạc Việt...

Theo CAND| 03/01/2013 15:49

Những bất bình thường trong đời sống âm nhạc thời gian gần đây đang khiến dư luận quan tâm, đặc biệt là giới âm nhạc...

Với mong muốn tìm ra giải pháp thỏa đáng cho vấn đề này, nhiều nhạc sĩ tên tuổi: Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Doãn Nho, Văn Dung, Hoàng Lân, Cát Vận… đã cùng có mặt, trao đổi sôi nổi trong hội thảo khoa học “Âm nhạc với tuổi trẻ” do Hội Âm nhạc Hà Nội vừa tổ chức.

Các nhạc sĩ đều thấy rằng, những năm gần đây, bên cạnh dòng nhạc truyền thống, đã xuất hiện nhiều phong cách, trường phái âm nhạc của nhiều nước, tạo nên diện mạo phong phú và đa dạng cho âm nhạc Việt Nam. Nhưng bên cạnh mặt tích cực, điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ, khiến một bộ phận có phần lệch hướng. Cần ngăn chặn kịp thời hiện tượng thiếu lành mạnh là mong muốn của các nhạc sĩ.

Nhạc sĩ Hồ Quang Bình, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, băn khoăn: có một số chương trình âm nhạc có chất lượng như “Không gian âm nhạc” giới thiệu các ca khúc, nghệ sĩ được nhiều người yêu mến: đêm nhạc Dương Thụ, Thanh Tùng; chương trình của các ca sĩ Tùng Dương, Anh Thơ, Việt Hoàn v.v… nhưng lại chưa hoặc không hút được nhiều người nghe nhạc. Trong khi đó, các chương trình Pop, Rock lại đến được hàng vạn người nghe.

Có điều, thay vì khích lệ được cái đẹp trong thế giới tâm hồn tuổi trẻ, thì lại có những biểu hiện tiêu cực khiến mọi người lo ngại, như đánh mất mình của những “fan” cuồng với một số nhóm nhạc. Hơn nữa, còn một số người tiếp tay, thậm chí, tạo điều kiện để các bạn trẻ đó hành động mặc sức.

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu lo âu khi hiện nay, trẻ em sinh ra không còn được bao bọc trong tiếng hát ru mênh mang cánh cò, lớn lên trong thế giới đồng dao bình dị, thay vào đó là những bài hát mới, nói những điều lớn lao mà bé không hiểu hết. Thậm chí, bé có chút năng khiếu ca hát có thể bị biến thành nạn nhân của người lớn, vì mục đích kiếm lời và kiếm danh, trở thành con rối trong cuộc chạy đua ở các cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ trên truyền hình. Ca khúc cho tuổi học trò đã ít lại không phù hợp, khiến các em tự chế cho mình sản phẩm ca nhạc rồi tự quảng bá những món ăn vô bổ ấy.

Một trong các nhóm nhạc Hàn Quốc được bạn trẻ Việt Nam yêu thích.


Nhiều ý kiến cũng chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng không lành mạnh trong âm nhạc, là do thiếu giáo dục âm nhạc cho lớp trẻ. Môi trường âm nhạc của ta đang mất cân đối: ca sĩ chuyên nghiệp không được học kỹ năng biểu diễn sân khấu nên không cạnh tranh nổi với dàn “sao” ca nhạc thị trường dù họ, có khi nốt nhạc bẻ đôi không biết, nhưng lại mạnh về phần “nhìn” và có catse cao ngất ngưởng. Những người sáng tác trẻ xoay xở tìm kiếm cái mới thường nhận được sự xét nét, chê trách nhiều hơn là cổ vũ khích lệ từ các bậc tiền bối, nói gì đến sự hỗ trợ từ các tổ chức nhà nước.

Trên truyền hình ngày càng nhiều các cuộc thi tìm kiếm tài năng ca nhạc ăn xổi, chất lượng chiều theo thị hiếu bình dân của doanh nghiệp tài trợ. Vì mưu sinh, mà nhiều nhạc sĩ sáng tác những bài hát phục vụ nhu cầu thưởng thức của một số người có tiền mà văn hóa thưởng thức không cao. Sự đảo lộn giá trị trong âm nhạc tạo ra một dòng nhạc hỗn độn, những ca khúc không có chất lượng nghệ thuật, đã làm ô nhiễm nền âm nhạc, mà chỉ nghe tên đã thấy nhiều điều phải suy nghĩ, như “Bà xã tôi number one”, “Thà rằng anh không nhìn thấy”, “Yêu để rồi chia tay”, “Giấc mơ không phải là anh”.

Các nhạc sĩ tâm huyết đã cùng bàn thảo những biện pháp để hạn chế những bất thường trong âm nhạc hiện nay. Theo nhạc sĩ Doãn Nho, để có những tác phẩm hay, hấp dẫn người nghe, tác giả không chỉ vững tay nghề mà trên hết và trước hết, phải có cái tâm và cái hồn chân thật. Chúng ta cũng cần những nhà phê bình thẳng thắn, người viết dám đi vào cụ thể và dám chịu trách nhiệm. Cũng có ý kiến cho rằng, Nhà nước cần khuếch trương những giá trị của các tác phẩm âm nhạc đích thực.

Các nhạc sĩ lớp trước cần có những tác phẩm để cổ vũ lớp trẻ, cùng tiến tới một vẻ đẹp của âm nhạc. Nhạc sĩ Văn Dung đề nghị phải nâng cao tính chuyên nghiệp, thể hiện trên tác phẩm của các nhạc sĩ, điều đó đòi hỏi người sáng tác phải học rộng, biết nhiều và có lòng nhân ái.

Bà Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng: trong khi internet đang được nhiều người sáng tác sử dụng để quảng bá cho tác phẩm, kể cả không chất lượng, thì nhà quản lý văn hóa nghệ thuật có tâm có tầm cần nhìn ra ý nghĩa to lớn của internet, mà đặt lòng tin vào tuổi trẻ; giúp lớp trẻ có “bộ lọc” tốt, thay vì triệt để kiểm soát bằng chặn đứng các xa lộ thông tin, đóng cánh cửa tiếp cận thế giới bên ngoài. Bởi như thế là triệt nốt cơ hội học hỏi phát triển tài năng ở giới trẻ.

Tiếc là, trước những vấn đề nóng và có sức ảnh hưởng rộng trong xã hội, thì ở hội thảo này, lại vắng mặt hầu hết các nhà quản lý, người có trách nhiệm. Thế nên, dù các nhạc sĩ có tâm huyết đến mấy, thì tác dụng của những điều đã được đưa ra, có trở thành hiện thực không, còn là một vấn đề… phải chờ đợi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những bất thường trong nhạc Việt...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.