Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà khoa học tìm tương lai cho đất

Thanh Thủy| 30/12/2016 06:22

(HNM) - Ngấm chất diệt cỏ trong chiến tranh, chịu ảnh hưởng bởi các loại phân bón hóa học, lưu giữ các chất gây hại tồn dư từ nguồn nước tưới ô nhiễm… là nguyên nhân khiến nhiều vùng đất bị suy kiệt, thậm chí gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.


Trăn trở cùng đất

Nếu có sẵn quan niệm, người làm khoa học thường nghiêm nghị, thâm trầm thì nhiều người sẽ bất ngờ khi trò chuyện với PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà bởi sự hồ hởi, gần gũi của bà. Điều cuốn hút ở nhà khoa học đã ngoài 60 tuổi này còn là sự tận tâm, nhiệt huyết với nghề khiến ở bà luôn toát lên vẻ tất bật, tràn đầy năng lượng cũng như những câu chuyện nghiên cứu khoa học bà kể đều trở nên hấp dẫn.

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà (thứ 2 từ phải sang) nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2015.



Câu chuyện đưa công nghệ sinh học vào xử lý đất ô nhiễm, trong đó có những vùng đất nhiễm chất độc hóa học là một trong những điều thật sự hấp dẫn. PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà tâm sự: “Ai cũng hiểu đất có vai trò quan trọng như thế nào đối với đời sống con người. Là nơi để muôn loài sinh tồn, phát triển, nơi cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào... Không chỉ có vậy, tài nguyên đất còn chứa đựng vô vàn bí ẩn thú vị. Thế nhưng chẳng phải ai cũng biết, nguồn tài nguyên ấy đang suy kiệt dần bởi nhiều lý do trong đó có sự tác động không nhỏ của con người”.

“Chẳng cần nói đâu xa, ngay dải đất miền Trung nước ta, nhiều nơi vẫn đang chịu những ảnh hưởng nặng nề, không thể định cư hay trồng trọt do chất diệt cỏ, chất độc da cam… còn tồn tại trong đất. Chất độc không chỉ khiến nhiều khu vực trở nên hoang hóa mà còn có nguy cơ tiếp tục ngấm sâu, gây ảnh hướng tới nguồn nước ngầm trong lòng đất”, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà nói. Xót xa trước những tác động mà đất mẹ phải gánh chịu, bà đã bắt tay vào thực hiện hàng loạt đề tài nghiên cứu từ cơ bản, thử nghiệm quy mô lớn dần… đến các phân tích bản chất tập đoàn vi sinh vật bản địa, sự thay đổi nồng độ dioxin và chất diệt cỏ trên cơ sở dùng phương pháp phân hủy sinh học xử lý đất nhiễm dioxin. Phương pháp này sau đó được thử nghiệm ngay khu vực được xác định có mức ô nhiễm dioxin vào loại cao nhất trên thế giới là Sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).

Những tháng ngày vất vả, đối mặt với rủi ro khi thường xuyên tiếp xúc với môi trường chứa dioxin cuối cùng cũng mang về cho bà và đồng nghiệp kết quả xứng đáng: Sau gần 30 tháng áp dụng công nghệ phân hủy sinh học, lượng dioxin trong đất ở khu vực trên được xử lý đã đạt tới 99,48%, sau 40 tháng là 99,84% (kết quả do ba phòng thí nghiệm: Hà Lan, Đức và Việt Nam cùng phân tích và đánh giá). Với thành tựu này, Công trình nghiên cứu xử lý đất nhiễm dioxin bằng phương pháp phân hủy sinh học của PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà hứa hẹn khôi phục sức sống cho nhiều vùng đất nhiễm độc khác của nước ta trở thành khu vực phát triển nông, lâm nghiệp an toàn. Thành tựu này cũng mang lại cho bà nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có Giải Kovalevskaia 2015 dành tặng cho những nhà khoa học nữ xuất sắc.

Đam mê khoa học khiến PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà không chấp nhận cuộc sống nhàn nhã. Dự án này “gối đầu” dự án kia khiến bà luôn vội vàng, tất bật. Bù lại, những nghiên cứu của bà đều mang về kết quả khả quan, góp phần cải thiện chất lượng sống cho người dân, trong đó có những công trình nổi bật như: Xử lý môi trường bị ô nhiễm dầu, sáng tạo thuốc nhuộm hoạt tính bảo đảm chất lượng, thân thiện với môi trường, biến phụ liệu, phế liệu nông nghiệp thành phân hữu cơ chất lượng cao...

Tìm tương lai cho đất

Hơn 40 năm theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà đã làm chủ nhiệm hơn 30 đề tài, dự án, công bố 146 công trình với nhiều giải thưởng khoa học trong nước và quốc tế, tuy nhiên những ý tưởng, sáng tạo hướng tới mục đích làm sạch môi trường, bảo vệ sức khỏe con người trong bà chưa bao giờ cạn. Bà chia sẻ: “Đất đai là tài nguyên thiên nhiên quý giá nhưng không phải là nguồn lợi vô tận nếu thiếu ý thức chăm chút, bảo vệ. Hiện giờ, nguồn tài nguyên này ở nước ta không chỉ hứng chịu những tổn thương từ chất độc trong chiến tranh mà còn từ nhận thức hạn chế, cách hành xử tùy tiện của không ít người mà hệ lụy của những vấn đề này thế hệ tương lai sẽ phải gánh chịu”.

“Chỉ riêng thói quen sử dụng phân bón hóa học một cách tùy tiện đã để lại nhiều hệ lụy cho môi trường và sức khỏe con người, đồng thời là tác nhân gây nên tình trạng thoái hóa đất, làm hại cho mùa canh tác sau” - PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà than thở - “Những thứ đang được nuôi trồng ngay trên đồng đất của ta, tiếp nhận những chất tưới bón mang đến cái lợi trước mắt nhưng tác hại lâu dài. Những chất tưới bón này không chỉ ngấm vào thực vật mà còn lưu lại trong đất, chuyển hóa thành những hợp chất gây suy thoái đất. Hết đợt này, tới đợt khác cùng với sự tăng lên về số lượng sử dụng, độ sâu, độ rộng, tình trạng ô nhiễm đất ngày càng nghiêm trọng”.

Là vấn đề môi trường gây bức xúc nhưng để thay đổi nó cần làm rất nhiều việc, không chỉ là thay đổi thói quen canh tác mà còn phải tẩy độc cho đất, khử trùng cho nước để từ đó làm giàu dinh dưỡng, tăng độ phì nhiêu một cách bền vững. Với lợi thế là một trong 10 nước đa dạng vi sinh vật nhiều nhất thế giới và niềm tin vào sự tái tạo của đất, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà lại mải miết theo đuổi cơ hội khôi phục sức sống cho những vùng đất “ốm yếu”. Sau một thời gian như con thoi đi, về giữa các điểm thực nghiệm, những cuộc thí nghiệm, đo đạc, đánh giá…, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà đã tìm ra loại phân hữu cơ vi sinh vật chất lượng cao (chuyển hóa từ thân cây ngô và chất thải chăn nuôi) có khả năng rửa trôi chất độc tích tụ trong đất, đồng thời làm tăng độ phì nhiêu bền vững cho những vùng đất bị tác động bởi phân bón vô cơ.

Bà chia sẻ: “Hiện giờ, nghiên cứu này đang được thực nghiệm tại một số vùng, miền trên cả nước và cho những kết quả rất khả quan. Tôi mong sắp tới đây, dự án sẽ được áp dụng trên đất canh tác của Hà Nội, để những mảnh vườn, thửa ruộng bạc màu từng bước hồi sinh, cho người dân những mùa vàng bội thu, hoa trái an toàn, bổ dưỡng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà khoa học tìm tương lai cho đất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.