Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nga và Ukraine gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen: Cứu vãn cuộc khủng hoảng lương thực

Thùy Dương| 20/11/2022 06:51

(HNM) - Nga và Ukraine vừa đồng ý gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen thêm 120 ngày. Dù một số chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại về triển vọng của thỏa thuận sau bốn tháng nữa, song động thái này ít nhất trước mắt sẽ giúp hạ nhiệt giá cả trên toàn cầu, cũng như cứu vãn không để cho thế giới lún sâu vào khủng hoảng lương thực.

Thu hoạch lúa mì trên cánh đồng ở thành phố Kharkov, Ukraine. Ảnh: Getty Images

Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được ký kết vào tháng 7-2022 dưới sự trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chấm dứt sự phong tỏa của Nga đối với các cảng của Ukraine. Thỏa thuận đã giúp nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ ba cảng ở Ukraine. Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen hết hạn vào ngày 19-11. Vì vậy, ngày 17-11, các bên đã gấp rút để đàm phán gia hạn thêm bốn tháng nhằm giảm bớt tình trạng thiếu lương thực trên toàn cầu. Trước đó, Mátxcơva đã đình chỉ việc tham gia vào thỏa thuận này trong một vài ngày vào đầu tháng 11, trước khi ký kết trở lại.

Trong một thỏa thuận riêng với Nga, Liên hợp quốc đã bắt đầu vận chuyển phân bón của Nga đang bị mắc kẹt tại các cảng châu Âu kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột đến các nước châu Phi. Liên hợp quốc đã làm việc với Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) để thiết lập một giấy phép chung nhằm bảo đảm với các công ty tư nhân rằng thực phẩm và phân bón của Nga được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt, đồng thời khuyến khích các công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ cho các tàu treo cờ Nga.

Tuy nhiên, hiện việc xuất khẩu amoniac - nguyên liệu để sản xuất phân đạm của Nga thông qua một đường ống dẫn đến Biển Đen vẫn chưa được thống nhất. Sự kiện gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen không giải quyết được những lo ngại của Mátxcơva về khả năng xuất khẩu amoniac. Tổng Thư ký Hội nghị thương mại và phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) Rebeca Grynspan nhận định rằng “phải tiếp tục giải quyết cuộc khủng hoảng phân bón”, nếu không sau bốn tháng nữa, việc Nga có tiếp tục tham gia Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen hay không rất khó đoán định.

Dẫu vậy, Tổng Thư ký UNCTAD R. Grynspan đánh giá, việc gia hạn thỏa thuận thêm bốn tháng là “ngọn hải đăng của hy vọng”. Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận giúp “tránh được một cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu”. Các chuyên gia an ninh lương thực đã cảnh báo rằng tình trạng thiếu hụt lương thực do xung đột sẽ dẫn đến giá cả tăng cao hơn nữa, gây hậu quả nghiêm trọng đối với các nước nghèo, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19. Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng của Ukraine Oleksandr Kubrakov cho biết, kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực vào ngày 1-8, “Ukraine đã xuất khẩu hơn 11 triệu tấn nông sản sang 38 quốc gia trên thế giới”. Phó Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc Martin Griffiths nói: “Ukraine và Nga là những nhà xuất khẩu ngũ cốc quan trọng đến mức phần còn lại của thị trường không thể thay thế cho sự thiếu vắng hoàn toàn ngũ cốc của Ukraine. Vì vậy, thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến giá lương thực, ngay cả khi khối lượng xuất khẩu của Ukraine chưa trở về mức trước xung đột”.

Nếu Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen bị chấm dứt, Ukraine có thể sẽ bị thiệt hại tài chính, nhưng Kiev vẫn có đủ ngũ cốc cho tiêu dùng trong nước. Song đối với nhiều quốc gia, vấn đề an ninh lương thực sẽ khá cấp bách. Đó là nhận xét của nhà phân tích thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp nông nghiệp Ukraine (UCAB) Maxim Gopka.

Thống kê từ Global Hunger Index cho thấy, năm 2021 có 47 quốc gia có mức độ đói cao và đến năm 2022 ước tính đã ở mức 60 quốc gia; 3,1 triệu trẻ em chết mỗi năm do suy dinh dưỡng. Do đó, theo ông Gopka, nếu Ukraine không xuất khẩu được ngũ cốc, khủng hoảng lương thực và làn sóng di cư của người tị nạn từ châu Phi và châu Á là không thể tránh khỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nga và Ukraine gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen: Cứu vãn cuộc khủng hoảng lương thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.