(HNM) - Nga đã đồng ý gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen thêm 2 tháng sau các cuộc đàm phán với sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên hợp quốc vào phút chót. Động thái này đã giúp nhiều khu vực trên thế giới đang vật lộn với nạn đói tạm thoát khỏi thảm họa đứt gãy chuỗi cung ứng ngũ cốc, bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Với những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ, Liên hợp quốc cùng sự ủng hộ của Nga và đóng góp của Ukraine, các bên đã đi đến quyết định gia hạn thỏa thuận vào hôm 17-5, một ngày trước khi Mátxcơva có thể rút khỏi sáng kiến do những trở ngại đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh tàu chở ngũ cốc cuối cùng được cấp phép theo thỏa thuận đã rời cảng Ukraine.
Hơn 30 triệu tấn nông sản và phân bón đã được xuất khẩu an toàn theo Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Trong đó có khoảng 600.000 tấn lúa mì do Chương trình lương thực thế giới vận chuyển nhằm hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động nhân đạo ở Afghanistan, Ethiopia, Kenya, Somalia và Yemen.
Gần đây, Nga tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận sau khi kết thúc thời gian gia hạn (đến 18-5), nếu những biện pháp hạn chế của phương Tây nhằm ngăn chặn xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga không được dỡ bỏ. Mặc dù nông sản và phân bón của Nga không phải chịu lệnh trừng phạt của phương Tây do cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng Mátxcơva cho biết, các hạn chế về thanh toán, hậu cần và bảo hiểm đã trở thành rào cản đối với những chuyến hàng. Theo Mátxcơva, thỏa thuận hiện tại chỉ mang lại lợi ích cho Kiev vì xuất khẩu phân bón của Nga không đi qua hành lang biển giống như cách mà ngũ cốc của Ukraine đã làm.
Ukraine xuất khẩu nông sản và phân bón tới phần còn lại của thế giới bằng cách thiết lập một hành lang vận chuyển an toàn từ các cảng Chornomorsk, Odesa và Pivdennyi. Do vậy, nếu rút khỏi sáng kiến Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, Mátxcơva có thể sẽ tiến hành một cuộc phong tỏa toàn diện trên biển đối với sản phẩm nông nghiệp của Kiev. Điều này có nghĩa là bất kỳ rào cản nào đối với việc tiếp cận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đều có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu, như đã thấy trong những ngày đầu của cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Ủy ban Cứu trợ quốc tế (IRC) cảnh báo rằng, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen hết hạn có nguy cơ gây thêm bất ổn cho thị trường lương thực. Ước tính 349 triệu người tại 79 quốc gia sẽ trải qua tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong năm nay, do vậy Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen phải tiếp tục được duy trì. IRC kêu gọi mở rộng Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen và mở rộng phạm vi hoạt động của nó tới nhiều cảng của Ukraine nhằm giảm áp lực lên giá lương thực và hạn chế tình trạng đầu cơ đối với ngũ cốc.
Shashawat Saraf - Giám đốc Khẩn cấp Đông Phi tại IRC cho biết: “Tình trạng thiếu lương thực trong hệ thống và thiếu phân bón tiếp tục đẩy giá cả lên cao, khiến nhiều gia đình ở các quốc gia như Somalia khó dự đoán liệu họ có đủ tiền cho một bữa ăn vào ngày hôm sau”. Việc gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen cũng rất quan trọng với nông dân Ukraine, vì họ vẫn đang gặp khó khăn trong việc bán ngũ cốc do chuỗi hậu cần bị gián đoạn và tắc nghẽn cảng biển. Bất kỳ cú sốc nào đối với thị trường đều có thể gây tác hại lớn ở các quốc gia đang trên bờ vực của nạn đói.
Trong bối cảnh đó, sự kiện Nga đồng ý gia hạn sáng kiến thêm 2 tháng nhằm hỗ trợ các nước đang gặp khó khăn đã xoa dịu những lo lắng về chuỗi cung ứng nông sản. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nêu bật sự cần thiết phải đạt được một thỏa thuận toàn diện và lâu dài, đồng thời gia hạn sáng kiến vốn đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu vì các sản phẩm của Ukraine và Nga góp phần "nuôi sống thế giới". Chuỗi cung ứng phải được mở và không bị gián đoạn để bảo đảm ngũ cốc có thể đến được những quốc gia cần nó nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.