Thế giới

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen hết hạn: Nguy cơ mất an ninh lương thực

Hoàng Linh 19/07/2023 - 07:33

Sau chuyến tàu chở ngũ cốc cuối cùng rời Cảng Odessa vào sáng 16-7 (giờ địa phương), Nga đã chính thức tuyên bố không đồng ý gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen mà Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian. Giới quan sát lo ngại, điều này sẽ làm gia tăng những nguy cơ đối với an ninh lương thực toàn cầu.

thu-hoach.jpg
Thu hoạch lúa mạch tại vùng Mykolaiv (Ukraine).

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian từ năm 2022 để đưa ngũ cốc của Ukraine ra thị trường đã chính thức hết hạn (từ ngày 17-7). Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, thỏa thuận tạm dừng cho đến khi các yêu cầu của Nga được đáp ứng bằng “những kết quả cụ thể”. Ông Peskov cũng khẳng định, thỏa thuận về ngũ cốc bị tạm dừng không liên quan đến vụ tấn công mới đây nhằm vào cây cầu nối Nga với bán đảo Crimea.

Đây không phải lần đầu tiên Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen gặp rắc rối. Hồi tháng 10-2022, Nga từng rút khỏi thỏa thuận này vài ngày, sau khi Hạm đội Biển Đen bị tấn công bằng máy bay không người lái. Theo thỏa thuận, các tàu vận tải chở lương thực có thể đi qua tuyến đường vận chuyển nằm dưới sự kiểm soát của hải quân Nga. Đổi lại, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) phải gỡ bỏ các trở ngại đối với việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga. Trong đó, trọng tâm là cho phép Ngân hàng Nông nghiệp Rosslekhozbank quay trở lại hệ thống thanh toán SWIFT, cho phép giao phụ tùng thay thế cho máy móc nông nghiệp, khởi động lại đường ống xuất khẩu amoniac Tolyatti-Odessa… Tuy nhiên, theo Bộ Ngoại giao Nga, thời gian qua phương Tây đã cản trở những yêu cầu này.

Xung đột Nga - Ukraine bùng nổ đã khiến giá ngũ cốc tăng mạnh trên toàn cầu, bởi cả hai nước đều dẫn đầu thế giới về xuất khẩu mặt hàng này. Trong bối cảnh đó, Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã thành công trong việc giảm bớt tình trạng thiếu hụt, góp phần đưa giá lương thực thế giới giảm hơn 23% kể từ khi có hiệu lực. Theo Liên hợp quốc, 1.003 chuyến tàu trong khuôn khổ sáng kiến đã cho phép Ukraine xuất khẩu khoảng 32,8 triệu tấn ngô, lúa mỳ và các ngũ cốc khác. Có 45 quốc gia tiếp nhận được các chuyến hàng theo sáng kiến.

Diễn biến mới khiến Nga hứng nhiều chỉ trích. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ “thất vọng sâu sắc” về quyết định của Điện Kremlin, cho rằng quyết định của Nga sẽ giáng một đòn mạnh vào những người có nhu cầu ở khắp mọi nơi. Thực tế, ngay khi thông tin Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen hết hạn được lan truyền đã lập tức tác động tới toàn cầu. Giá lúa mỳ tại Chicago (Mỹ) đầu tuần này tăng 3,5% lên 6,84 USD/giạ.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gọi quyết định của Nga là “động thái hoài nghi”, đồng thời cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới việc bảo đảm an ninh lương thực cho các nước nghèo. Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định, Kiev sẵn sàng duy trì sáng kiến với sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc và sẽ “làm mọi thứ” để duy trì hành lang qua Biển Đen.

Ở chiều ngược lại, giới quan sát tỏ ra thông cảm với Nga. Nguyên nhân là bởi Mátxcơva từ lâu đã bày tỏ sự bất bình với cách hành xử của phương Tây trong triển khai Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đối với ngân hàng, quá cảnh và bảo hiểm đặt thương mại xứ Bạch dương trước nhiều nguy cơ. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhiều lần nhận định các bên chưa đạt được mục tiêu nào, đồng thời nhấn mạnh Mátxcơva đã nhiều lần gia hạn thỏa thuận một cách thiện chí bất chấp thực tế: “Đó chỉ là đường một chiều. Chưa có một mục tiêu nào liên quan đến lợi ích của Nga được đáp ứng”.

Dĩ nhiên, tia hy vọng dành cho Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen chưa lụi tắt. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cam đoan, tổ chức này sẽ tiếp tục cố gắng để bảo đảm khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu cho lương thực và phân bón từ Ukraine và Nga. Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, một người có quan hệ tốt đẹp với Điện Kremlin khẳng định sẽ “nói chuyện” với người đồng cấp Nga. “Bất chấp tuyên bố hôm nay, tôi tin rằng Tổng thống Liên bang Nga, người bạn Putin của tôi, muốn tiếp tục cây cầu nhân đạo này”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu với các phóng viên tại Istanbul. Đây là những tín hiệu dấy lên kỳ vọng hồi sinh Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.

Dù thế nào, trước thực tế an ninh lương thực toàn cầu một lần nữa đứng trước rủi ro, việc khơi thông dòng chảy lương thực qua Biển Đen là ưu tiên cần giải quyết. Và mọi quốc gia, phe phái có liên quan đều cần thể hiện trách nhiệm đóng góp thực thi mục tiêu chung này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen hết hạn: Nguy cơ mất an ninh lương thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.