(HNMCT) - 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TƯ “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần được xem xét, đánh giá thực tiễn nhằm hướng tới kết quả cao hơn, bền vững hơn.
Bắt đầu từ số báo này, Hànộimới Cuối tuần giới thiệu loạt chuyên đề “Nâng chất, nâng tầm văn hóa - con người Thủ đô”, qua đó nhìn lại kết quả đã đạt được trong việc xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, để phát triển văn hóa và con người Thủ đô trở thành nền tảng - sức mạnh mềm cho phát triển bền vững, trong đó định hướng xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo của khu vực và thế giới.
Hà Nội có được nguồn lực phát triển dựa trên hệ giá trị văn hóa đặc biệt và nguồn lực con người thanh lịch, tài hoa. Nguồn lực đó sẽ được nhân lên nhờ những quyết sách đúng đắn nhằm vượt qua thách thức, tiếp tục thực hiện thành công Nghị quyết 33-NQ/TƯ về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
“Chưng cất” tinh hoa
Xưa và nay, khi bàn về Hà Nội với những đặc trưng tạo sự khác biệt của mảnh đất này, từ thi ca, hò vè dân gian đến công trình nghiên cứu khoa học thường nhấn nhá ở yếu tố văn hóa, con người, vị trí trung tâm của đất Rồng bay. Về đất Kinh kỳ, rằng “Thăng Long, Hà Nội, Đông Đô/ Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ/ Cố đô rồi lại tân đô/ Nghìn năm văn vật bây giờ vẫn đây”. Về người Kẻ Chợ, rằng “Những người thanh lịch nói ra dịu dàng”, “Nhất cao là núi Ba Vì/ Nhất lịch, nhất sắc Kinh kỳ Thăng Long”...
Người ấy, đất ấy, như lời nhà văn Nguyễn Đình Thi là “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”, phải “chưng cất”, nâng niu qua thời gian thì mới có được. Từ “chưng cất”, như không gì xứng đáng hơn để nói về phẩm chất Thăng Long - Hà Nội hình thành qua chiều dài lịch sử ngàn năm, về đặc điểm “hội tụ, kết tinh, lan tỏa” của đất này.
Sinh thời, Giáo sư Trần Quốc Vượng khi mô tả “Hà Nội như tôi hiểu”, dù “động” đến văn hóa, lịch sử, con người Thăng Long - Hà Nội dựa trên cách tiếp cận có tính hệ thống vẫn không quên trở đi trở lại với ý “chưng cất” này. Nhờ khả năng tiếp nhận và gạn lọc để giữ lại những gì hay nhất đẹp nhất mà giờ này chúng ta có “tiếng hồ Gươm” - từ dùng của nhà văn Tô Hoài, có “lớp lớp người đi thét vang vang trời khải hoàn” (ca khúc Người Hà Nội - Nguyễn Đình Thi), có trữ lượng văn hóa dân gian dồi dào được “chuyển” về từ khắp miền rồi “trụ lại”, nâng cao. Hội tụ và kết tinh, cũng nhờ đó mà những gì theo chân thợ thuyền, cao nhân tứ phương về Thăng Long - Hà Nội được dung nạp, cùng với văn hóa cung đình, những đình, đền, miếu, phong tục, lễ hội dân gian sẵn có tạo nên sắc thái văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng.
Sự kết hợp đó, như đánh giá của Giáo sư Trần Quốc Vượng: Văn hóa dân gian không tách rời mà kết hợp, hòa hợp với văn hóa cung đình và được “chính thức hóa”, “sang trọng hóa”. Nét sang trọng đó, vốn là sắc thái văn hóa cần có của một Thủ đô, “dựa trên nền một nếp sống phong lưu do công thương phát triển ngấm vào phong cách, thế ứng xử của người Thăng Long - Hà Nội về ăn, mặc, ở và đi lại”.
“Người thanh tiếng nói cũng thanh”, chất trí tuệ, hào hoa, tự trọng, khí phách là nhờ thế. Kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể nức danh Thăng Long, xứ Đoài, Sơn Nam Thượng còn đến ngày nay là vậy.
“Cú hích” giữa bộn bề thách thức
Truyền thống văn hóa, nguồn lực con người không chỉ mang ý nghĩa “nhận diện” đất Rồng bay, vai trò và vị trí của Thủ đô, mà còn là sự khẳng định sức mạnh nội sinh Thăng Long - Hà Nội. Truyền thống đủ để mỗi người rưng rưng mỗi khi tiếng nhạc hào hùng cất lên: “Đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây...”, nhưng cũng là lời nhắc trách nhiệm giữ gìn, vun đắp, phát triển dựa trên nền tảng đã có được. Nhận thức chung là rất quan trọng, bởi thực tế cho thấy trong thời gian qua, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Trong bối cảnh nói trên, sự ra đời của Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết 33-NQ/TƯ) có ý nghĩa quan trọng. Định hướng chung về phát triển văn hóa, xây dựng con người được thể hiện qua 5 mục tiêu, 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp cơ bản, tạo tiền đề cho các địa phương xây dựng kế hoạch hành động dựa trên đặc điểm tình hình và điều kiện riêng của từng nơi.
Với Hà Nội, việc triển khai Nghị quyết 33-NQ/TƯ không chỉ là thực hiện một chủ trương lớn, mà còn xuất phát từ yêu cầu thực tế cần nâng chất, nâng tầm văn hóa - con người Thủ đô, phù hợp với xu thế phát triển và là bước nâng cao so với những gì đã được thành phố triển khai trước đó. Ngay sau khi Nghị quyết 33-NQ/TƯ được ban hành, Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết, tập trung vào hai định hướng lớn là xây dựng và phát triển văn hóa; xây dựng con người Thủ đô phát triển toàn diện. 32 văn bản đã được ban hành, trong đó có văn bản rất quan trọng là Chương trình số 04-Ctr/TU về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”, góp phần tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, là cơ sở cho sự sáng tạo với những mô hình, đề án, dự án, giải pháp thiết thực với nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người.
5 năm qua, công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TƯ trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thu được kết quả tích cực, thể hiện ở tất cả các mặt công tác trọng tâm như xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại... Hàng loạt nhiệm vụ, chỉ tiêu, đề án, dự án đã được triển khai, tạo sự khởi sắc trong các mặt công tác liên quan tới phát triển văn hóa, xây dựng con người như tạo việc làm, chăm sóc trẻ em, phụ nữ và đối tượng chính sách, đổi mới phương pháp dạy và học, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao, bảo vệ môi trường, xây dựng gia đình văn hóa, quảng bá hình ảnh Thủ đô, xây dựng quy tắc ứng xử ở nơi công cộng và trong công sở...
Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TƯ của Thành ủy Hà Nội ghi nhận “đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; Hà Nội tiếp tục khẳng định là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị cao quý của dân tộc Việt Nam”.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy trong việc triển khai thực hiện định hướng lớn về phát triển văn hóa, xây dựng con người Thủ đô, tất cả không chỉ có một màu hồng.
Không chủ quan, lơ là
Theo thời gian, sự chuyển biến về lối sống, về văn hóa trước tác động của tiến trình phát triển, giao lưu, hội nhập, những hệ lụy từ kinh tế thị trường với biểu hiện trọng vật chất hơn trọng tình, đó có lẽ là những thách thức đáng kể đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng nguồn nhân lực. Đã có thể nhận diện một giai đoạn chuyển tiếp trong văn hóa ứng xử, lối sống, cách thức và nhu cầu tiêu dùng văn hóa của cư dân Hà Nội, kèm theo đó là những hệ lụy không mong muốn. Giai đoạn đó không phải mới bắt đầu gần đây, mà từ hàng chục năm trước, đến nay thách thức vẫn chưa có biểu hiện bớt gay gắt dù lãnh đạo Thủ đô qua các thời kỳ luôn xác định phát triển văn hóa và con người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, vừa là nhiệm vụ trước mắt vừa là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài.
Năm 2005, bàn về văn hóa ứng xử của người Hà Nội, nhiều chuyên gia đã cảnh báo dấu hiệu xuống cấp về văn hóa ứng xử, sự sa sút về đạo đức, lối sống. Khi đó, tại một hội thảo về “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, Giáo sư Hồ Sĩ Vịnh nhận xét: “Lối sống hưởng thụ, buông thả, sa vào nghiện hút, mại dâm có chiều hướng gia tăng. Sự vô cảm, tình trạng hoang hóa tâm hồn, sự sa sút về nhân tính ở một số thanh niên có học qua một số vụ trọng án là đáng lo ngại. Hầu hết các giá trị như tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc... đang bị thử thách trước những đổi thay về kinh tế - xã hội”...
Đến giờ, sau gần 15 năm, cần phải nhìn thẳng vào sự thật là dù đã có nhiều chương trình, kế hoạch bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng văn hóa, con người và trong thực tế, những quyết sách và chương trình hành động được triển khai đã thu được kết quả đáng ghi nhận, thì lời cảnh báo nói trên vẫn còn nguyên tính thời sự.
Bởi vậy, giờ không phải lúc dừng lại hay lơ là trước những cảnh báo đã được nêu ra. Quá trình thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tiếp tục được phân tích, nhận diện rõ mặt được và chưa được nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TƯ cũng như các chương trình, kế hoạch, dự án, đề án của thành phố Hà Nội về xây dựng văn hóa, con người thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện.
“Hà Nội là nơi hội tụ và kết tinh những giá trị truyền thống của toàn dân tộc. Chính vì vậy, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô cần đạt được kết quả cao hơn, toàn diện hơn, xác định tầm nhìn và tạo khâu đột phá mới cho sự phát triển: Lấy văn hóa làm nền tảng, sức mạnh mềm cho phát triển bền vững Thủ đô, trong đó, định hướng xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO sẽ là tiền đề và động lực quan trọng để Hà Nội cất cánh lên tầm cao mới”.
(Trích phát biểu của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tại Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TƯ trên địa bàn thành phố Hà Nội)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.