Văn hóa

Cần làm rõ những nét riêng có của văn hóa Thủ đô

Đình Hiệp 27/11/2023 13:35

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, sáng 27-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần làm rõ những nét riêng có của văn hóa Thủ đô.

tran-thi-hong-thanh.jpg
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) phát biểu.

Góp ý dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) thống nhất với quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi Luật Thủ đô với quy định tương đối đầy đủ 9 nhóm chính sách, trong đó có nhiều nội dung mang tính đột phá đặc thù có kế thừa bổ sung và phát triển so với luật hiện hành. Tuy nhiên, theo đại biểu, dự thảo Luật chưa thể hiện rõ nét riêng có của văn hóa Thủ đô, chưa làm rõ nội hàm văn hiến, văn minh hiện đại, thành phố di sản sáng tạo và là nguồn lực phát triển của Thủ đô.

Về phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô quy định tại Điều 24, đại biểu cho biết, dự thảo Luật chưa có những quy phạm cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong bố trí trường lớp, bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất để giáo dục toàn diện cả trí lực, thể lực, tâm lý, tinh thần cho trẻ em, nhất là ở các khu vực đô thị lõi, đô thị mới tập trung đông dân cư hiện nay. Đồng thời, chưa khắc phục được sự chênh lệch trong đầu tư phát triển chất lượng giáo dục giữa khu vực nội thành và ngoại thành; chưa có sự gắn kết cho quy hoạch giáo dục với quy hoạch tổng thể của Thủ đô.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quan trọng quốc gia, do đó, việc phân cấp, ủy quyền cho Hà Nội nhiều hơn nữa là rất cần thiết.

tran-hoang-ngan.jpg
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu.

Do đó, đại biểu mong muốn lãnh đạo Thủ đô nên ưu tiên lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ hơn là lĩnh vực kinh tế. Trong đó, tập trung bảo tồn các di sản văn hóa, giá trị văn hóa người Hà Nội, đặc biệt các vị trí có giá trị lịch sử thiêng liêng tại các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng...

“Trong Điều 5 của dự thảo Luật nêu rõ, việc xây dựng và phát triển, bảo vệ Thủ đô là trách nhiệm chung của các cơ quan, tổ chức, các lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước. Khoản 3, Điều 5 cũng nêu rõ, Nhà nước ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư cho Thủ đô Hà Nội”, đại biểu phân tích thêm.

Phát biểu tại phiên họp, Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Đoàn Quảng Ninh) bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị để phát triển bền vững Thủ đô theo hướng văn hiến, văn minh, hiện đại, tạo động lực lan tỏa cho cả nước cùng phát triển.

thich-thanh-quyet.jpg
Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Đoàn Quảng Ninh) phát biểu.

Về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đại biểu nhấn mạnh, hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Do vậy, đại biểu đề nghị, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này cần làm rõ một số cơ chế, chính sách đặc thù, thiết thực, áp dụng được ngay để xây dựng Thủ đô trở thành một trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) chỉ rõ, trong khoản 1, Điều 5 luật hiện hành quy định, xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước; nhưng lại không có quy định mục tiêu để phát triển Hà Nội như thế nào, do đó phải có mục tiêu, các chính sách, định hướng rõ hơn.

nguyen-van-canh.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) phát biểu.

Trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã nêu, Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, do đó, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cũng phải quy định Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, từ đó, người dân cả nước tham khảo và sẽ có những phấn đấu, đóng góp cho Thủ đô Hà Nội.

Bên cạnh đó, Điều 5 dự thảo Luật mới chỉ quy định xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô. Đại biểu cho rằng, cần phải bổ sung cụm từ “giữ gìn” bởi còn liên quan tới văn hóa, lịch sử, là linh hồn của cả nước. Từ đó, đại biểu đề nghị quy định tại Điều 5 là “...trách nhiệm giữ gìn, xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô ngàn năm văn hiến, văn minh và hiện đại”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần làm rõ những nét riêng có của văn hóa Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.