Công nghiệp văn hóa

Khơi nguồn sáng tạo cho công nghiệp văn hóa Thủ đô

Hoàng Quyên 12/02/2024 - 18:03

Năm 2023, Hà Nội đã tổ chức khoảng 2.000 hoạt động, sự kiện, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa.

Là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp ít nhất 8 - 10% GRDP của Hà Nội. Với một tinh thần quyết liệt, Hà Nội đang vừa làm, vừa học hỏi những mô hình hay, sáng tạo và đổi mới trong nhiều lĩnh vực để hiện thực hóa mục tiêu.

vh1.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà với đại biểu tại bế mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2023.

Quyết tâm vượt trở ngại

Là Thủ đô ngàn năm văn hiến, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học lớn của cả nước, Hà Nội có nhiều tiềm năng để trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa mạnh mẽ nhất cả nước. Với 5.922 di tích lịch sử - văn hóa; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; 1.350 làng nghề; 1.173 lễ hội, gần 200 không gian sáng tạo... Hà Nội không thiếu nguồn lực để tạo thương hiệu riêng.

Đánh giá về tiềm năng của Hà Nội, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, Hà Nội hội tụ và tập trung nhiều nguồn lực cả về tài nguyên di sản lẫn con người để phát triển công nghiệp văn hóa. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng nhận định, tiềm năng văn hóa của Hà Nội là thế mạnh mà không thành phố nào của Việt Nam có được. Tất cả kho tàng di sản văn hóa của Hà Nội nếu biết khai thác, không chỉ đơn thuần tạo ra sản phẩm văn hóa, mà còn là lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội.

Nhưng thẳng thắn nhìn nhận, việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh về văn hóa của Hà Nội vẫn chưa được như kỳ vọng. Tại Việt Nam, ước tính, ngành công nghiệp văn hóa chiếm khoảng 3% GDP của cả nước. Với Hà Nội, con số này cao hơn một chút, đạt khoảng 3,7% GRDP, song vẫn còn vô cùng khiêm tốn so với vị thế Thủ đô, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả dân tộc; một thành phố được vinh danh là “Thành phố sáng tạo”, đoạt nhiều giải thưởng về điểm đến hàng đầu thế giới...

Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất là nhận thức của một số cấp, ngành, đơn vị về công nghiệp văn hóa còn hạn chế; kết cấu hạ tầng cho sự phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô còn thiếu đồng bộ; sự tăng trưởng kinh tế chưa ổn định; thiếu sự phối hợp, liên kết, liên ngành giữa các lĩnh vực; việc đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa chưa theo kịp sự tiến bộ, phát triển chung của khu vực và thế giới...

Xác định rõ mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành một trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022 “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Như vậy, Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa, cho thấy quyết tâm lớn của lãnh đạo Hà Nội trong việc tập trung mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa.

Tại hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” diễn ra năm 2023, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho hay: Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế như làng nghề truyền thống, du lịch văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn, trò chơi điện tử...

Nhận định việc phát triển công nghiệp văn hóa còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ, trong các buổi làm việc cùng đoàn giám sát thành phố về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong luôn nhấn mạnh, cần phải thay đổi tư duy Nhà nước “làm thay”, mà phải tận dụng nguồn lực, có sự chung tay của cộng đồng thì văn hóa mới phát triển bền vững.

vh2.jpg
vh2a.jpg
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023. Ảnh: Hoàng Lân

“Phép thử” từ những sáng tạo

Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà cho biết, riêng trong năm 2023, Hà Nội đã tổ chức khoảng 2.000 hoạt động, sự kiện, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô, nổi bật là: Lễ hội thiết kế sáng tạo, Lễ hội thu Hà Nội, Lễ hội áo dài du lịch, Lễ hội quà tặng du lịch, Lễ hội ẩm thực... Các lễ hội được tổ chức có sức hút lớn, thu hút từ 80.000 đến 200.000 lượt người dân và du khách.

Tinh thần sáng tạo, đổi mới, trẻ trung được bao phủ tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm nay đã gợi mở nhiều cách làm hay trong phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Tinh thần ấy không chỉ làm tái sinh một di sản công nghiệp có tuổi đời 100 năm tại Hà Nội (Nhà máy Xe lửa Gia Lâm) mà còn mở ra triển vọng về việc tái thiết những không gian sáng tạo mới cho Thủ đô. Sau “sức nóng” của lễ hội, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, Sở sẽ rà soát hiệu quả hoạt động của những không gian sáng tạo, đồng thời sẽ đề xuất, kiến nghị thành phố trong việc tái sử dụng những di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo hấp dẫn.

Để tăng sức hút điểm đến Hà Nội, hàng loạt di tích của Hà Nội mạnh dạn đổi mới cách làm, ra mắt sản phẩm tour đêm như di tích Nhà tù Hỏa Lò với sản phẩm “Đêm thiêng liêng”; di sản Hoàng thành Thăng Long với “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”; di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám với “Tinh hoa đạo học” sử dụng công nghệ chiếu sáng 3D mapping... Các không gian đi bộ ở hồ Hoàn Kiếm, Trần Nhân Tông, Thành cổ Sơn Tây... là điểm tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, quảng bá du lịch vào cuối tuần.

Ở lĩnh vực âm nhạc, sự trở lại của Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa vừa qua như giải tỏa “cơn khát” cho công chúng kể từ sau đại dịch Covid-19. Tiếp đó, hàng loạt sự kiện âm nhạc quốc tế tổ chức tại Hà Nội như chương trình biểu diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink; nhóm nhạc WestLife... tạo sức hút lớn với công chúng, thêm khẳng định năng lực tổ chức của Hà Nội với các sự kiện giải trí quốc tế.

Lĩnh vực ẩm thực cũng khởi sắc khi tháng 6-2023, nhiều thương hiệu, địa chỉ ẩm thực của Hà Nội đã lọt vào danh sách bình chọn của Michelin - danh hiệu danh giá của ngành ẩm thực quốc tế, trong đó có 3 nhà hàng đạt “sao Michelin”.

Lĩnh vực thời trang ghi dấu ấn của những thiết kế trẻ GenZ tại Tuần lễ thời trang quốc tế với chủ đề “ShapingTheFuture - Kiến tạo tương lai”, mang đến sự mới mẻ, độc lập, khởi nguồn cho những thiết kế táo bạo mang dấu ấn giao thoa với thời trang quốc tế...

Vượt qua ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng nhiều thách thức còn hiện hữu, công nghiệp văn hóa của Hà Nội đã có sự khởi sắc. Nguồn lực cho những sáng tạo mới đang dần được khơi thông ở nhiều lĩnh vực, từng bước tạo động lực cho sức bật phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, góp phần hiện thức hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 5% GRDP; 2030 đóng góp 8% GRDP của thành phố như Nghị quyết 09-NQ/TU đặt ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi nguồn sáng tạo cho công nghiệp văn hóa Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.