Theo giới phân tích, tại cuộc họp của Ủy ban thị trường mở liên bang lần này, nhiều khả năng Fed sẽ thực hiện tăng lãi suất lần thứ 5 liên tiếp trong năm với mức điều chỉnh 0,75 điểm phần trăm.
Ngày 20-9, cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cuộc họp kéo dài 2 ngày, với vấn đề được quan tâm nhất là khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất cơ bản.
Theo kế hoạch, quyết định của Fed sẽ được công bố vào 23h ngày 21-9 (giờ Việt Nam).
Lạm phát của Mỹ hiện tăng với tốc độ nhanh nhất trong 40 năm qua, trong khi Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố giới chức nước này sẽ tiếp tục hành động dứt khoát để "hạ nhiệt" nền kinh tế.
Theo dự báo của giới phân tích kinh tế, tại cuộc họp của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) lần này, nhiều khả năng Fed sẽ thực hiện lần tăng lãi suất thứ 5 liên tiếp trong năm nay với mức điều chỉnh 0,75 điểm phần trăm.
Đây cũng sẽ là lần thứ 3 liên tiếp Fed tăng lãi suất với mức 0,75 điểm phần trăm, biện pháp đã không được tiến hành trong nhiều thập kỷ.
Các quan chức Fed đã nhất trí rằng, không thể mạo hiểm để lạm phát tiếp tục leo thang, gây tổn hại đến người lao động và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rủi ro suy thoái theo đó đang gia tăng.
Chuyên gia Kathy Bostjancic thuộc Oxford Economics cho rằng, lạm phát sẽ tiếp tục là yếu tố chi phối chính sách tiền tệ, bất chấp rủi ro suy thoái gia tăng vào năm 2023.
Cụ thể, tình trạng lạm phát cao vẫn sẽ còn kéo dài, buộc Fed tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ, biện pháp này kết hợp với tác động lan tỏa tiêu cực từ việc kinh tế toàn cầu suy yếu, kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái nhẹ trong quý I-2023.
Không chỉ riêng Mỹ, các nước châu Âu cũng đang phải sử dụng lãi suất làm công cụ chặn đà tăng phi mã của lạm phát.
Ngày 20-9, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde tuyên bố, cơ quan này quyết tâm ngăn chặn lạm phát tăng cao, đồng thời để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Bà Lagarde nhấn mạnh, thời gian điều chỉnh lãi suất và mức tăng lãi suất cụ thể sẽ phục thuộc vào lạm phát dự báo.
Thời gian qua, sức ép đối với ECB đã gia tăng đáng kể khi lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang lên mức cao mới.
Trong tháng 8 vừa qua, lạm phát ở Eurozone đã tăng lên 9,1%, cao nhất từ trước đến nay và không có dấu hiệu dừng lại, chủ yếu do cuộc khủng hoảng năng lượng liên quan cuộc xung đột ở Ukraine.
Tỷ lệ hiện tại cao hơn 4 lần so với mục tiêu lạm phát mà ECB đặt ra là 2%. Hồi tháng 7, ECB đã phải chấm dứt chính sách lãi suất bằng 0 lâu nay và lần đầu tiên tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm kể từ năm 2011.
Tại cuộc họp hồi đầu tháng 9, Ban Giám đốc ECB được cho sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, do lạm phát tăng mạnh, ECB đã phải điều chỉnh lãi suất với "bước nhảy" 0,75 điểm phần trăm nhằm ứng phó với tỷ lệ lạm phát phi mã.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.