(HNM) - Sau 5 ngày thảo luận tại thủ đô Washington (Mỹ), 3 nước Mỹ, Canada và Mexico vừa kết thúc vòng đàm phán thứ nhất nhằm sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Được đánh giá là một cuộc cải tổ nhiều tham vọng, vòng đàm phán đã khép lại với hầu hết vấn đề được thảo luận kín, trong đó các bên cam kết đẩy nhanh tiến độ nhằm giải quyết những cách biệt còn tồn tại để đi tới một kết quả khả quan vào cuối năm nay.
Mỗi quốc gia bước vào vòng đàm phán NAFTA với một mục tiêu riêng. Ngay từ khi khởi động, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer khẳng định, NAFTA phải trải qua một quá trình sửa đổi toàn diện để hoàn thành mục tiêu giảm thâm hụt thương mại song phương và bảo đảm thị trường việc làm Mỹ. Dù thương mại của xứ Cờ hoa với các đối tác NAFTA đã tăng gấp 3 lần kể từ khi hiệp định này có hiệu lực năm 1994, nhưng Tổng thống Donald Trump vẫn khẳng định đây là nguyên nhân làm “thất thoát” cơ sở vật chất và việc làm của người Mỹ sang các nước thành viên còn lại, nhất là Mexico. Ngay từ chiến dịch tranh cử, ông chủ Nhà Trắng đã dùng những từ ngữ khá gay gắt để ám chỉ NAFTA như “thương vụ buôn bán tồi tệ nhất thế giới”, “sự thất bại nặng nề của người Mỹ” và đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland và Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo Villarreal khẳng định, thỏa thuận này là thành công, chỉ cần thực hiện bước hiện đại hóa để phù hợp hơn trong thời đại internet bùng nổ cũng như sự phát triển của thương mại dịch vụ và thương mại điện tử. Trước tuyên bố của Mỹ về việc sẽ không ngần ngại rút khỏi hiệp định nếu không đạt được yêu cầu đề ra, Canada và Mexico cũng kiên quyết với lập luận không có NAFTA họ vẫn có nhiều sự lựa chọn thay thế như ký các hiệp định thương mại song phương khác. Ngay cả khi không có sự lãnh đạo của Mỹ, thương mại tự do vẫn tiếp tục phát triển, và rất nhiều đối tác như Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU) sẵn sàng nhảy vào khoảng trống mà Mỹ bỏ lại.
Theo thông cáo báo chí được đưa ra sau vòng đàm phán đầu tiên, 3 quốc gia Bắc Mỹ cam kết tiến tới một quá trình đàm phán nhanh và toàn diện. Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra tại Mexico đầu tháng 9, sau đó là tại Canada vào cuối tháng 9. Các cuộc đàm phán sẽ trở lại Mỹ vào tháng 10 với vòng thảo luận bổ sung được lên kế hoạch từ nay cho tới cuối năm. Cả Mỹ và Mexico đều mong muốn đàm phán sớm kết thúc, trước khi các tiến trình chính trị gây ảnh hưởng tới chương trình nghị sự của NAFTA, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mexico sẽ diễn ra vào tháng 7-2018.
Các chính trị gia và các chuyên gia kinh tế từng tham gia vào quá trình đàm phán NAFTA gọi đây là lịch trình tham vọng nhất họ từng thấy. Giới phân tích nhận định, đàm phán để cải tiến, sửa đổi là một quá trình “trị liệu” lâu dài hơn là một cuộc chạy đua với thời gian. Vì vậy, phần khó khăn chắc chắn sẽ đến ở các vòng tiếp theo, khi các quốc gia đề ra mục tiêu và lộ trình thực hiện cụ thể, trong đó có nhiều vấn đề gai góc và nhạy cảm.
Theo thống kê, thương mại giữa 3 nước Bắc Mỹ đã đạt tăng trưởng cao nhất kể từ khi NAFTA có hiệu lực, với tổng kim ngạch trên 1.300 tỷ USD vào năm 2016. Dù quá trình đàm phán sửa đổi NAFTA chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, không thể phủ nhận vai trò của hiệp định này đối với thương mại khu vực. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence từng khẳng định: “Chúng tôi tìm kiếm một thỏa thuận dựa trên tinh thần cốt lõi ban đầu của NAFTA. Cả 3 nước nhất trí rằng hiệp định này có nhiều điểm để cải tiến nhằm bảo đảm một sân chơi công bằng cho tất cả các thành viên”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.