Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mong manh tương lai Brexit

Thùy Dương| 01/02/2019 06:54

(HNM) - Thủ tướng Anh Theresa May đã có chiếc “phao cứu sinh” khi nhận được sự ủng hộ của Quốc hội nhằm mở lại các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về việc rời khỏi khối hay còn gọi là Brexit.

Với tỷ lệ 317 phiếu ủng hộ và 301 phiếu chống, các nghị sĩ Anh đã thông qua điều khoản sửa đổi, trong đó khẳng định chỉ ủng hộ thỏa thuận “ly hôn” nếu dỡ bỏ điều khoản khiến Anh phải giữ biên giới mở với Ireland.

Hạ viện Anh họp bàn về thỏa thuận Brexit.


Giải pháp này nhằm giữ Bắc Ireland trong liên minh thuế quan của EU cho đến khi đạt được một giải pháp thay thế để duy trì đường biên giới mở giữa Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland trong trường hợp hai bên chưa đạt được thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, điều khoản lại không nói rõ xứ Sương mù có thể ký thỏa thuận tự do thương mại với các quốc gia khác trong lúc thực hiện giải pháp trên hay không. Giới nghị sĩ Anh, đặc biệt những người ủng hộ Brexit phản đối gay gắt phương án này vì cho rằng nó sẽ khiến London bị bó buộc với các quy định của EU vô thời hạn và bị hạn chế trong việc thiết lập giao dịch kinh doanh với các nước khác. Bên cạnh đó, các nghị sĩ cũng nhất trí bác bỏ khả năng Anh rời EU mà không có thỏa thuận. Ngay sau cuộc bỏ phiếu, người phát ngôn của Thủ tướng T.May nhấn mạnh Quốc hội Anh đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Brussels về việc người dân đảo quốc sương mù muốn gì để thỏa thuận Brexit được thông qua.

Tuy nhiên, khi bắt đầu nhận được sự hậu thuẫn chắc chắn từ trong nước, người đứng đầu Chính phủ Anh lại vấp phải sự từ chối của EU. Giới lãnh đạo liên minh ngay lập tức tuyên bố phản đối đàm phán lại. Người phát ngôn của Chủ tịch Hội đồng châu Âu khẳng định, thỏa thuận Brexit đã đạt được không để ngỏ việc tái đàm phán và hối thúc Chính phủ Anh tiếp tục làm rõ ý định cũng như các bước đi sắp tới. Thực tế, kể từ khi đạt được thỏa thuận sơ bộ về Brexit hồi tháng 11-2018, giới chức EU luôn khẳng định văn bản đó là tốt nhất và duy nhất để bảo đảm Anh rời đi một cách có trật tự, giảm tối đa các tác động tiêu cực cho cả hai bên. Ðặc biệt, vấn đề biên giới giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland là điều không thể thương lượng lại. Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng thể hiện quan điểm tương tự, đồng thời kêu gọi Chính phủ Anh nhanh chóng gửi tới nhà đàm phán hàng đầu EU Michel Barnier những kế hoạch tiếp theo nhằm tránh kịch bản một Brexit không thỏa thuận.

Về cơ bản, nội bộ nước Anh đã thống nhất về các điều khoản Brexit cần phải sửa đổi. Đây cũng có thể coi là ý chí của nước Anh trong cuộc đàm phán cuối cùng với EU. Giờ thì Thủ tướng T.May, người từng bị dư luận Anh chỉ trích nặng nề và tưởng chừng không thể tại vị, sẽ lại lĩnh trách nhiệm của một thuyết khách. Thách thức khó vượt qua hơn cả của bà T.May là làm thế nào để thuyết phục EU khởi động lại các cuộc đàm phán vốn đã mất đến 18 tháng. Hơn thế, nhà lãnh đạo xứ Sương mù phải chứng minh với EU rằng một thỏa thuận mới sẽ còn tốt hơn văn bản mà EU vẫn coi là “tốt nhất có thể có”. Các nhà phân tích nhận định việc tìm ra một thỏa thuận có thể "đẹp lòng tất cả" thực sự rất khó xét trong bối cảnh hiện tại khi Brexit làm phân rã mọi mối gắn kết chính trị truyền thống.

Dự kiến Thủ tướng T.May sẽ quay trở lại Brussels để khởi động các nỗ lực đàm phán với EU cho dù nhiều khả năng bà sẽ bị từ chối. Quốc hội Anh sẽ có cuộc bỏ phiếu về kế hoạch mới vào giữa tháng 2-2019. Nếu được chấp thuận, Anh sẽ rời EU vào ngày 29-3. Nếu không, nước này sẽ phải chọn một trong những phương án, bao gồm Brexit không thỏa thuận, bầu cử sớm hoặc một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khác đối với Chính phủ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mong manh tương lai Brexit

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.