(HNM) - Với những tham vọng cải cách mạnh mẽ nói trên, cử tri Malaysia kỳ vọng, đất nước sẽ bước vào một kỷ nguyên mới với nhiều thay đổi đột phá như những gì ông M.Mohamad đã làm trước đây.
Ông M.Mohamad (giữa) ăn mừng chiến thắng. |
Thông báo chính thức của Ủy ban Bầu cử Malaysia ngày 10-5 về kết quả cuộc bầu cử Hạ viện cho biết, PH giành được 113 trong tổng số 222 ghế. Trong khi đó, BN chỉ giành được 79 ghế, kém xa con số của họ ở kỳ bầu cử lần trước. Ngoài chiến thắng ở cuộc bầu cử Hạ viện, PH còn giành chiến thắng áp đảo ở các tiểu bang khi giành tổng cộng tới 223 ghế so với 166 ghế của liên minh cầm quyền. Với tỷ lệ số phiếu ủng hộ trên, PH có đủ điều kiện để thành lập chính phủ liên bang. Kết quả bầu cử cho thấy lãnh đạo PH, cựu Thủ tướng M.Mohamad vẫn là chính trị gia được đông đảo người dân Malaysia tín nhiệm.
Dưới sự lãnh đạo trước đây của ông, đất nước Malaysia đã có những thay đổi to lớn và căn bản. Từ hệ thống giao thông, nền công nghiệp ô tô nội địa, đến những công trình xây dựng như Tháp đôi, thủ đô hành chính Putrajaya… đều mang đậm dấu ấn của nhà lãnh đạo nay đã 92 tuổi. Trong suốt thời gian vận động tranh cử vừa qua, ông liên tục xuất hiện, thông qua cả mạng xã hội và diễn thuyết trước đám đông để trình bày quan điểm về nhiều vấn đề mà đất nước đang phải đối mặt và người dân đang quan tâm. Ông cũng tiết lộ, sau khi nhậm chức, ông sẽ bổ nhiệm Chủ tịch đảng Công lý Nhân dân (PKR) Wan Azizah Wan Ismail, làm Phó Thủ tướng. Như vậy, bà Wan Azizah Wan Ismail sẽ là nữ Phó Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Malaysia.
Cuộc bầu cử lần này được dự báo là khó đoán định nhất từ trước tới nay do các lá phiếu được tranh giành bởi 3 đảng và liên minh đảng. Các chiến dịch vận động tranh cử diễn ra cho đến phút chót để thu hút từng lá phiếu cử tri. Nếu liên minh cầm quyền BN chọn cách vận động tại từng nhà thì liên minh đối lập tổ chức các cuộc vận động tranh cử quy mô lớn với hàng nghìn người tham gia.
Thất bại trong cuộc tranh cử có thể chỉ mới là sự khởi đầu cho những rắc rối của ông N.Razak. Những năm gần đây, nhà lãnh đạo của BN luôn phải đối mặt với những cáo buộc tham nhũng, lạm quyền và đưa ra những chính sách về tài chính không được sự đồng tình của đa số người dân. Ngay trong cuộc bầu cử này, Chính phủ của ông N.Razak cũng bị liên minh đảng đối lập cáo buộc cố tình tổ chức bầu cử vào ngày đi làm trong tuần thay vì vào cuối tuần như thông lệ, nhằm giảm số cử tri đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, thực tế, tại các điểm bầu cử, lượng cử tri tới để thực hiện trách nhiệm công dân vẫn rất đông đảo.
Dù theo thống kê cuối cùng, chỉ có khoảng hơn 70% cử tri đi bầu, thấp hơn nhiều so với con số 85% của cuộc bầu cử năm 2013, song điều này vẫn phù hợp với Hiến pháp Malaysia và cho thấy khẳng định sự ủng hộ của cử tri đối với cựu Thủ tướng M.Mohamad.
Trong thời gian tới, ông M.Mohamad có thể sẽ triển khai nhiều kế hoạch cải cách như đã cam kết trong cương lĩnh tranh cử. Nổi bật nhất là việc giới hạn số nhiệm kỳ của Thủ tướng và Thủ hiến xuống chỉ còn 2 nhiệm kỳ. Ngoài ra, Thủ tướng cũng không được phép nắm giữ ghế Bộ trưởng Tài chính như hiện nay. Cùng với đó, PH cũng cam kết sẽ giảm số bộ trưởng trong Văn phòng Thủ tướng từ 10 xuống còn 3. Bên cạnh đó là chính sách giảm gánh nặng về thuế, nghĩa vụ cho người dân, xây dựng nền kinh tế đất nước theo hướng công bằng và hợp lý...
Với những tham vọng cải cách mạnh mẽ nói trên, cử tri Malaysia kỳ vọng, đất nước sẽ bước vào một kỷ nguyên mới với nhiều thay đổi đột phá như những gì ông M.Mohamad đã làm trước đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.