(HNMO) - Nhà lãnh đạo Syria cần phải được đưa ra trước tòa án Hình sự Quốc Tế (ICC) để đối mặt với công lý về tội giết người và tra tấn. Điều tra viên của LHQ kêu gọi nh
ư vậy trong bối cảnh EU mới gia hạn lệnh cấm vận trong cuộc xung đột đẫm máu tại Syria.
Phe ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad đưa người bị thương ra khỏi vòng chiến đấu. Ảnh: Reuters |
Carla del Ponte, cựu công tố viên của ICC đang trong cuộc điều tra ở Syria nói rằng: “Chúng ta có Tòa án Hình sự quốc tế để sẵn sàng giải quyết trường hợp này”. Bà Carla del Ponte, người trước đây đã từng đưa Tổng thống Nam Tư cũ, Milosevic ra trước Tòa án Tội phạm chiến tranh ở Hague, tin rằng thủ phạm cấp cao đã được xác định, có những người phải có trách nhiệm trong việc ra lệnh, tổ chức và lập kế hoạch hỗ trợ những tội ác chống lại loài người. Những cuộc điều tra của LHQ cho rằng hơn 70.000 người đã thiệt mạng từ khi cuộc chiến nổ ra kể từ tháng 3-2011.
Đây không phải lần đầu tiên nhà lãnh đạo của Syria, ông Bashar al – Assad bị kêu gọi truy tố ra Tòa án Hình sự quốc tế. Trước đó, yêu cầu này không được chấp nhận bởi cần có sự đồng ý của cả năm nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Trong khi Mỹ, Anh và Pháp liên tục kêu gọi Tổng thống Bashar al – Assad từ chức thì Nga và Trung Quốc phủ quyết.
Quân đội chính phủ đã tiến hành các cuộc không kích và pháo kích trên khắp Syria. Báo cáo của LHQ cho biết, họ có được các hình ảnh từ vệ tinh để kết luận rằng: “Lực lượng chính phủ và lực lượng dân quân trực thuộc đã vi phạm luật pháp quốc tế về quyền con người”. Ngoài ra, phiến quân Syria cũng bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh bao gồm giết người, tra tấn, dùng trẻ em dưới 15 tuổi làm con tin...
Trong một diễn biến khác liên quan, tại Brussels, các ngoại trưởng EU đã thống nhất việc gia hạn các biện pháp trừng phạt chống lại Syria trong 3 tháng, nhưng cho biết họ sẽ sửa đổi các quy định cấm vận nhằm tạo điều kiện cung cấp các thiết bị không gây chết người và hỗ trợ kỹ thuật nhằm bảo vệ thường dân. Anh muốn tư vấn cho phe đối lập Syria về quan hệ an ninh dân sự và quân sự trong giai đoạn chuyển tiếp nhằm hỗ trợ Hội đồng quân sự Syria.
Tuy nhiên, nhiều chính phủ ở EU lo lắng rằng bất kì việc nới lỏng lệnh cấm vận nào cũng sẽ làm gia tăng sự căng thẳng tại Syria, sẽ rất khó khăn để đưa được các nhu yếu phẩm đến đúng mục tiêu trong bối cảnh những lo lắng về sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhóm thánh chiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.