(HNM) - Để đạt mức tăng trưởng GDP 6,7% cả năm 2017, những tháng cuối năm phải đạt mức tăng trưởng hơn 7,4% - đây là con số được nhận định là rất cao, sẽ khó khăn và nhiều thách thức trong bối cảnh hiện nay.
Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ nhằm khuyến khích tiêu dùng dịp cuối năm. Ảnh: Bá Hoạt |
Sức mua còn hạn chế
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 đạt 327,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 244,3 nghìn tỷ đồng, tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoái lần lượt 1,2% và 10%. Tính chung 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.248,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng 8,4% của cùng kỳ năm 2016.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng năm nay đạt 1.685,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 74,9% tổng mức và tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, mức tăng này dù lớn hơn so với cùng kỳ năm 2016, nhưng chưa hẳn đã cao. Khi sức mua chưa được cải thiện sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, cầu tiêu dùng thấp có thể do thu nhập giảm hoặc tình hình kinh tế còn khó khăn, khiến người dân không dám mạnh tay chi tiêu và chỉ mua sắm những mặt hàng thiết yếu. Với cầu của doanh nghiệp thấp thì phải xem xét lại cơ chế, chính sách kích thích tăng trưởng, tiếp cận vốn, đất đai, điều kiện sản xuất. Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công chậm cũng là yếu tố tác động đến tổng cầu thị trường, bởi đầu tư công là hoạt động quan trọng kích thích tổng cầu của nền kinh tế.
Ngoài khó khăn trong nước, kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều thách thức trong bối cảnh kinh tế quốc tế diễn biến phức tạp. Ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nêu ví dụ, sự kiện Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit), buộc Châu Âu đẩy mạnh các hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu. Nước Mỹ không tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nêu quan điểm về bảo hộ thị trường, sản xuất trong nước. Trong khi đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động mạnh, khiến cho chiến lược phát triển dựa vào thu hút đầu tư nước ngoài và lợi thế lao động giá rẻ gặp nhiều khó khăn.
Đẩy mạnh tiêu dùng hộ gia đình
Thời gian qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã phát huy hiệu quả tích cực. Ảnh: Linh Ngọc |
Doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa nhưng không xuất khẩu, cũng không tiêu thụ được trên thị trường nội địa, thì nguy cơ doanh nghiệp dừng hoạt động khó tránh khỏi. Vì vậy, kích cầu tiêu dùng càng có ý nghĩa trong tạo động lực cho khu vực sản xuất thúc đẩy đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo niềm tin thị trường, tạo điều kiện tiếp cận tín dụng tiêu dùng, nâng cao chất lượng hàng nội địa để thay thế hàng nhập khẩu; quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại để có môi trường kinh doanh tốt hơn cho sản phẩm trong nước.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai các chương trình hỗ trợ tiêu thụ các loại nông sản sản xuất tập trung có sản lượng lớn, mang tính mùa vụ cao của các địa phương; hỗ trợ hàng hóa sản xuất trong nước thông qua các hoạt động kết nối cung - cầu trực tiếp giữa các doanh nghiệp thu mua phân phối, xuất khẩu với các vùng sản xuất; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu hoặc kết nối vào các hệ thống phân phối đa quốc gia.
Cũng theo bà Lê Việt Nga, cần phải làm tốt chính sách khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; đồng thời thúc đẩy cho vay tiêu dùng, để kích thích mua sắm. Nhằm thúc đẩy sức mua trên thị trường trong nước, Bộ Công Thương tập trung triển khai 71 dự án, nhiệm vụ của Đề án phát triển thị trường gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa; tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, hệ thống phân phối; hoàn thiện “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Liên quan đến chỉ đạo tiếp tục hạ lãi suất để giảm bớt khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động để giảm lãi suất cho vay. Theo Thống đốc, hệ thống ngân hàng có cơ sở để giảm lãi suất cho vay khi Chính phủ tiếp tục kiên định ổn định kinh tế vĩ mô. Bốn ngân hàng thương mại lớn đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên. VietinBank và Agribank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND về mức tối đa 6,5%. BIDV giảm lãi suất từ 0,5 đến 1%/năm, trong khi Vietcombank cũng điều chỉnh giảm 0,5%/năm...
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, kích cầu tiêu dùng phải thực hiện ngay khi các doanh nghiệp chưa thu hẹp sản xuất và các hộ gia đình chưa thu hẹp tiêu dùng.
Việc kích cầu cũng nên hướng đến những người có thu nhập thấp, để họ không phải giảm tiêu dùng, thậm chí còn tăng tiêu dùng, từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa, kích thích doanh nghiệp mở rộng sản xuất.
Để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, người dân tiêu thụ hàng hóa, những tháng cuối năm, TP Hà Nội sẽ tổ chức các chương trình hội chợ hàng Việt, hội chợ đặc sản vùng miền, hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ bên cạnh các chuyến bán hàng Việt tại ngoại thành, khu công nghiệp… Đặc biệt trong "Tháng khuyến mãi", sẽ có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng Việt tham gia, với chương trình giảm giá, tặng quà, bảo hành sản phẩm… để tăng cường bán hàng và kích cầu tiêu dùng trong nhân dân.
Bên cạnh đó, thành phố còn tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội tìm kiếm nguồn hàng, liên kết tạo các chuỗi sản xuất - phân phối; tổ chức các hội nghị kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, kết nối cung - cầu, kết nối giao thương giữa TP Hà Nội với các địa phương...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.