(HNM) - Thay vì phải đi nước ngoài hay chờ đặt hàng xách tay, giờ đây người tiêu dùng Việt Nam dễ dàng mua được hàng hóa “made in” Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… ngay tại các trung tâm thương mại, siêu thị trong nước.
Thế nhưng, việc các nhà phân phối nước ngoài liên tục tung hàng giá rẻ vào thị trường Việt Nam - qua hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị của họ thời gian qua - là câu chuyện thời sự đáng quan tâm. Điều này không chỉ gây sức ép lớn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước mà còn với cả hệ thống bán lẻ nội địa.
Theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực từ năm nay trở đi, thuế suất nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam được giảm xuống bằng 0%. Đây là lý do khiến “dòng chảy” hàng nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là ASEAN đổ ồ ạt vào Việt Nam. Các sản phẩm có mức thuế thấp đều là nhóm hàng tiêu dùng trong nước sản xuất được nên cuộc cạnh tranh giành thị phần ngay "trên sân nhà" càng gay gắt hơn.
Thực tế cho thấy, từ nhiều năm nay hàng hóa Việt Nam đã bị hàng giá rẻ xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản lấn sân và dần chiếm lĩnh thị phần. Không chỉ ở trung tâm thương mại, siêu thị lớn mà ở ngay các chợ truyền thống, hàng ngoại nhập cũng “phủ sóng”, từ các ngành hàng thực phẩm, trái cây, đồ uống, mỹ phẩm, đồ chơi, quần áo, giầy dép đến đồ đa dụng... với giá bán khá hấp dẫn.
Để chiếm lĩnh thị trường nước ta, các nhà bán lẻ nước ngoài, ngoài lợi thế về quản trị, thương hiệu, đã có những bước chuẩn bị bài bản, như tổ chức hệ thống phân phối và đặt hàng gia công sản xuất ngay tại Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ nội lại chưa chú trọng liên kết, đầu tư vào hệ thống chuỗi siêu thị. Hệ thống cửa hàng tuy có nhiều cải tiến nhưng vẫn thiếu chuyên nghiệp, từ quản trị, trưng bày hàng hóa đến giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng...
Thực trạng trên cho thấy, nếu các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ trong nước không hợp tác tốt với nhau, không chịu thay đổi mẫu mã; tập trung sản xuất nhưng quá trình phân phối rời rạc, thiếu liên kết… thì việc “thua ngay trên sân nhà” hiện hữu trong tương lai gần.
Để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ các nước trong khu vực, trước hết các doanh nghiệp trong nước cần tập trung tận dụng tốt cơ hội, đặc biệt là từ các cam kết FTA mang lại để giảm chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí gia nhập thị trường, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ. Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần tổ chức lại các khâu từ sản xuất đến phân phối, quảng bá... mang tính chuyên nghiệp hơn. Đồng thời tiếp tục đầu tư sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh, không chỉ về giá cả mà cả chất lượng, để tận dụng ưu thế của chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ.
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ năng động và hấp dẫn nhất trong khu vực châu Á và trên thế giới. Với việc mở cửa thị trường theo các cam kết hội nhập, cùng sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà bán lẻ lớn trên thế giới, sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ ngày càng tăng đối với doanh nghiệp trong nước. Vì thế, việc giành lại thị phần, lấy niềm tin nơi người tiêu dùng trong nước là nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài đối với các doanh nghiệp nếu muốn phát triển bền vững, và để không bị “thua trên sân nhà”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.