Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu!

Đình Hiệp| 31/05/2018 06:51

(HNM) - Có lẽ không cần giải thích nhiều thì ai cũng thấy tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người và gây ra tổn thất về kinh tế.


Thế nhưng, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lại khiến chúng ta giật mình khi mỗi năm thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40 nghìn ca tử vong do hút thuốc lá - cả trực tiếp lẫn thụ động - trong khi số tiền người dân bỏ ra mua thuốc lá lên đến 31 nghìn tỷ đồng.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của Bộ Y tế trong việc phối hợp với các bộ, ngành liên quan để giảm số người hút thuốc lá, đặc biệt là tại nơi công cộng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách 15 nước có số người sử dụng thuốc lá nhiều nhất thế giới, với 45,3% nam giới ở tuổi trưởng thành hút thuốc. Đây là điều khiến chúng ta phải suy ngẫm!

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, song phải thừa nhận rằng việc giám sát và xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, nơi có biển cấm, vẫn chưa nghiêm. Nhiều người hút thuốc lá “vô cảm”, thờ ơ với những biển cấm tại nơi công cộng. Trong khi đó, thuốc lá được bán tràn lan, bất kể ai, thậm chí trẻ nhỏ cũng có thể dễ dàng mua thuốc lá.

Cùng với đó, thuế tiêu thụ đặc biệt của thuốc lá Việt Nam trên giá bán lẻ chỉ chiếm từ 35% đến 40%, thấp hơn mức trung bình của thế giới (58%) và thấp hơn nhiều so với mức khuyến cáo của WHO. Đó là những nguyên nhân khiến việc giảm tỷ lệ người hút thuốc lá ở nước ta không được như mong muốn.

Với chủ đề “Thuốc lá và bệnh tim mạch”, Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay (31-5), WHO muốn truyền tải và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, nguyên nhân chính chiếm đến 30% tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch, 20% do đột quỵ. Qua đây, WHO cũng kêu gọi các quốc gia cần có những hành động kịp thời và hiệu quả nhằm làm giảm nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh về tim mạch liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Dự báo tới năm 2030, số người chết do thuốc lá gây ra ở nước ta sẽ lên tới 70.000 người/năm, điều này cũng đồng nghĩa với thiệt hại kinh tế tiếp tục tăng chóng mặt. Vì thế, phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng như giảm tỷ lệ người hút thuốc là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của toàn xã hội. Để từng bước làm thay đổi nhận thức, hành vi của người hút thuốc lá, chúng ta không chỉ dựa vào những khẩu hiệu chung chung!

Theo đó, lực lượng chức năng cần thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về phòng, chống tác hại thuốc lá; xử lý nghiêm các trường hợp hút thuốc nơi công cộng cũng như các hành vi quảng cáo, tiếp thị và khuyến mãi thuốc lá...

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi bổ sung các quy định nhằm mở rộng quyền hạn xử lý vi phạm cho một số lực lượng chức năng để hạn chế tình trạng hút thuốc nơi công cộng. Việc đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá nhằm xây dựng cơ quan, công sở, cơ sở y tế, trường học… không khói thuốc lá cũng là hết sức cần thiết.

Bởi hoạt động truyền thông về tác hại thuốc lá cần phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhằm tạo ra kênh thông tin hiệu quả, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Chỉ khi nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội, trong đó có cả những người nghiện thuốc lá thì công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, giảm tỷ lệ người hút thuốc lá trong cộng đồng mới có kết quả bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.