(HNM) - Là nơi ở tạm cho các hộ dân sống tại các khu nhà nguy hiểm cấp D phải di dời khẩn cấp, các khu nhà tạm cư trên địa bàn thành phố Hà Nội từ nhiều năm nay đã đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho hàng nghìn hộ dân. Tuy nhiên, chất lượng sống của người dân tại đây chưa tốt vì các nhà tạm cư đã và đang xuống cấp, nhiều cấu kiện chung hư hỏng, không bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho các hộ dân. Thực tế này rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng...
Cơ sở vật chất xuống cấp
Hiện nay, các nhà tạm cư mà người dân đến ở đều là quỹ nhà tái định cư của thành phố. Tuy nhiên, không ít hộ dân đến ở nơi tạm cư đã nhiều năm nhưng dự án - nơi ở cũ của các hộ dân - vẫn chưa được triển khai nên câu chuyện ở nhà tạm cư cứ kéo dài...
Điển hình là nhà tạm cư CT1B và CT1C tại khu đô thị Thành phố Giao lưu (quận Bắc Từ Liêm). Khảo sát thực tế ngày 29-4, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận sự xuống cấp về hạ tầng cũng như các cấu kiện của tòa nhà. Sử dụng từ năm 2014, các khối nhà CT1B và CT1C nhếch nhác, xuống cấp. Nhìn toàn cảnh bên ngoài, những bức tường bong tróc, kéo dài cả mảng, ẩm mốc, vết sơn ố màu. Những lớp gạch ngoài tòa nhà đã nứt vỡ. Phía bên trong, trần nhà đã bắt đầu nứt, thủng, hở dây điện rất nguy hiểm.
Theo bà Nguyễn Thị Huyền, người dân sống tại tòa nhà CT1B, hệ thống thoát nước cũ nên luôn trong tình trạng rò rỉ, chảy tong tong xuống nền nhà để xe, đọng thành vũng. Hầm để xe nơi đây nhìn hoang hóa, tối và không có người trông nom. Lá cây rơi xuống lâu ngày không có người quét dọn, dồn thành những vệt rác thải.
Tương tự, tại khu nhà CT1A và CT1B khu đô thị Định Công (quận Hoàng Mai), nơi dành cho người dân sống tại khu nhà bị sập 107 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) tạm cư, cơ sở vật chất cũng đã xuống cấp. Theo quan sát của phóng viên, tòa nhà cũ kỹ với màu sơn đã ố vàng, nền nhà bong tróc; toàn bộ khung sắt ở lối lên xuống cầu thang han gỉ, rác thải để bừa bãi.
Tại quận Tây Hồ, khu nhà tạm cư A1, A2 Phú Thượng được xây dựng từ năm 2006 cũng đang xuống cấp. Lớp sơn phủ bên ngoài biến màu với những mảng rêu mốc, bụi bẩn bám lâu ngày. Phần chân các tòa nhà đã có những vết nứt dài. Thang máy thường xuyên bị hỏng, khiến người dân rất bất bình...
Cần giải pháp tích cực hơn nữa
Theo Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội Cao Đức Đại, do không thu tiền của các hộ dân ở nhà tạm cư nên nguồn kinh phí bảo trì rất hạn chế. Trong khi đó, thành phố chỉ hỗ trợ sửa chữa 6 hạng mục trong các cấu kiện chung của nhà là: Thang máy; phòng cháy, chữa cháy; máy phát điện; máy bơm nước; mái và mặt ngoài nhà. Tuy nhiên, để thực hiện bảo trì, sửa chữa các hạng mục của năm sau, Công ty phải lập dự toán, trình thành phố phê duyệt từ năm trước. Do vậy, có những hạng mục hỏng mới phát sinh thì thường bị chậm sửa chữa. Những cấu kiện không được thành phố hỗ trợ sửa chữa thì Công ty không có kinh phí thực hiện...
Liên quan đến băn khoăn này, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) Trần Ngọc Minh chia sẻ, trong quỹ nhà tạm cư hiện có của thành phố, hầu hết đều là nhà mới, nhưng do lâu ngày không có người sử dụng nên xuống cấp. Do đó, Sở Xây dựng đã quyết liệt chỉ đạo, giao các đơn vị quản lý, vận hành nhà phải lập dự toán về bảo trì, sửa chữa đúng thời gian, báo cáo để Sở trình UBND thành phố phê duyệt, sớm tổ chức sửa chữa. Bên cạnh đó, Sở cũng xem xét nếu có thể đổi vị trí tốt hơn cho các hộ di dời thì thực hiện đổi ngay khi có quỹ nhà tạm cư. Đơn cử, vừa qua có một số trường hợp tại quận Ba Đình đã được đổi vị trí nhà tạm cư đến Khu đô thị Yên Hòa (quận Cầu Giấy).
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Trung Dũng, hiện tại còn 59 căn hộ tại tại nhà A1, A2, X2 Phú Thượng và nhà CT1B và CT1C khu đô thị Thành phố giao lưu được dành để bốc thăm căn hộ tạm cư cho các hộ dân thuộc diện phải di dời khẩn cấp của quận. Tuy nhiên, do từ năm 2018 đến nay nhà tái định cư này không sử dụng nên xuống cấp, các hộ đề nghị sửa chữa hoàn chỉnh các hỏng hóc trước khi bàn giao nhà. Ngày 28-4-2022, UBND quận Ba Đình đã có công văn gửi UBND thành phố Hà Nội xem xét chấp thuận để quận sửa chữa nhà tạm cư tại 2 khu vực trên để phục vụ di dời khẩn cấp nhà chung cư nguy hiểm cấp độ D trên địa bàn quận Ba Đình bằng nguồn vốn của quận.
Việc đổi vị trí nơi ở tốt hơn cho các hộ dân hoặc xin phép UBND thành phố được sửa chữa những hỏng hóc trước khi đưa người dân vào ở tạm đã thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, để người dân thật sự yên tâm, rất cần nhiều giải pháp tích cực hơn nữa của các cơ quan chức năng để người ở tạm cư có nơi an cư tốt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.