(HNM) - Chưa đầy hai tháng sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nhằm cứu vãn khỏi sự sụp đổ, ngày 27-11, chính phủ của Thủ tướng Italia Enrico Letta lại giành thắng lợi trong cuộc
Một cuộc đụng độ giữa sinh viên và cảnh sát trong làn sóng biểu tình phản đối dự luật ngân sách mới. |
Mang tên "Luật ổn định", nhưng Dự luật ngân sách 2014 nhằm đưa mức thâm hụt xuống dưới 3% theo quy định của Liên minh Châu Âu (EU) đang bị các giới xã hội Italia chỉ trích dữ dội. Nếu được thông qua, ngân sách năm 2014 sẽ cắt giảm hơn 200 triệu euro cho hệ thống các trường từ mẫu giáo đến đại học của Italia, bao gồm các khoản chi phí ngân sách hoạt động hằng năm, các khoản chi cho xây dựng cơ bản, chi phí cho nghiên cứu và học bổng đặc biệt cho các học sinh xuất sắc. Dự luật mới cũng quy định việc không nâng lương và cải thiện hợp đồng lao động cho giáo viên ở một số trường học trong vòng hai năm tới. Theo nhiều nhà bình luận, ngân sách quá eo hẹp sẽ đẩy ngành giáo dục nước này vào khủng hoảng, đồng thời không khuyến khích được việc nâng cao chất lượng dạy và học.
Mặc dù Thủ tướng E.Letta tuyên bố hy vọng trong quý IV năm 2013, Italia sẽ thoát khỏi suy thoái sau 9 quý liên tiếp kể từ cuối năm 2011 và nền kinh tế sẽ dần phục hồi trong năm 2014. Nhưng giới chuyên gia kinh tế cho rằng, còn quá sớm để dự báo thời điểm đất nước hình chiếc ủng mới thoát khỏi khủng hoảng. Theo các thông tin gần đây nhất, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italia trong quý III-2013 giảm 0,1% so với quý trước và giảm 1,9% so với cùng kỳ 2012. Nợ công đã vượt ngưỡng 2.000 tỷ euro, tức hơn 130% GDP. Tỷ lệ thất nghiệp cũng đã lên đến mức kỷ lục là 12,5% trong tháng 9-2013, trong đó thanh niên ở độ tuổi 15-24 trở thành nhóm bị tác động nặng nề nhất với gần 40% không có việc làm. Gần đây, Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo rằng gói các biện pháp mà Rome đang áp dụng không mang lại hiệu quả khi nợ công ngày càng phình to. EC tuyên bố sẽ không ngần ngại đưa Italia trở lại danh sách những nước bị "tuýt còi" nếu thâm hụt ngân sách lại gia tăng.
Các nhà phân tích chỉ trích chính phủ khi đưa ra kế hoạch ngân sách năm 2014 đã không có những biện pháp cần thiết để bảo vệ người lao động. Chẳng hạn như không giảm thuế mà còn tìm cách tăng thêm cho ngân sách nhà nước bằng các khoản thu khác. Việc chính phủ không giữ lời hứa giảm thuế trong năm 2014 có thể gây tác động nghiêm trọng đối với những người nghèo có việc làm. Vì thế, ngay từ khi dự luật được đem ra bàn thảo, nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra. Các tổ chức công đoàn không ngần ngại tuyên bố sẽ còn tổ chức nhiều cuộc đình công và xuống đường cho đến khi nhà chức trách thay đổi các điều khoản mà họ cho là ảnh hưởng nghiêm trọng đối với đời sống người lao động.
Chưa biết liệu "Luật ổn định" sẽ mang lại chuyển biến như thế nào đối với nền kinh tế ốm yếu của Italia, nhưng những ảnh hưởng từ chính sách cắt giảm mạnh tay vẫn tiếp tục là mồi lửa âm ỉ có thể châm ngòi cho làn sóng bất ổn xã hội tại đất nước hình chiếc ủng bất cứ lúc nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.