Ngày 24-3, thủ đô Jakarta của Indonesia đã khai trương hệ thống tàu điện ngầm (MRT) đầu tiên trong dự án giao thông vận tải lớn, được đánh giá là đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng tại đây.
Tham dự lễ khai trương hệ thống tuyến số 1 có Tổng thống Indonesia Joko Widodo và các quan chức khác.
Sau 6 năm xây dựng, tuyến đường sắt này đã chính thức đi vào hoạt động. Hàng chục nghìn người dân tham dự đã vô cùng phấn khích và háo hức được thử đi tàu điện ngầm lần đầu tiên.
Dự kiến, tuyến tàu điện ngầm sẽ bắt đầu được mở cửa vào ngày 25-3 và vé tàu sẽ được miễn phí trong tuần đầu tiên.
Hệ thống tuyến số 1 bao gồm các đoạn đường ngầm và đường trên cao với 13 nhà ga, một điểm trung chuyển; trong đó có 6 ga ngầm, 6 ga trên cao và một trạm cuối là nơi tập kết, bảo trì, sửa chữa tàu.
Tuyến đường đầu tiên dài 16km từ vòng xoay trung tâm thành phố, khách sạn Indonesia đến điểm cuối là Lebak Bulus, phía Nam thủ đô.
Đây là một trong những tuyến giao thông huyết mạch của Jakarta và thường xuyên xảy ra ùn tắc do mật độ dày đặc của các phương tiện.
Tổng nguồn vốn đầu tư cho tuyến số 1 là 17.000 tỷ rupiah (khoảng 1,2 tỷ USD), trong đó 1 tỷ USD là nguồn vốn vay của Nhật Bản, cũng là nước trúng thầu thực hiện dự án này.
Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2013. Đây là tuyến hành trình trong giai đoạn 1 của hệ thống nối từ trung tâm thành phố đến phía Nam với khoảng thời gian chỉ 30 phút, thay vì phải mất khoảng 1,5 giờ để di chuyển bằng ô tô cá nhân hay thậm chí mất tới 2,5-3 giờ trong khung giờ cao điểm.
Tuyến thứ hai của hệ thống tàu điện ngầm cũng bắt đầu được khởi công trong ngày 24-3 và sẽ hoàn tất vào năm 2024.
Dự kiến, trong năm đầu tiên hoạt động, MRT Jakarta sẽ vận chuyển 65.000 lượt hành khách mỗi ngày, giảm đáng kể lưu lượng người tham gia giao thông bằng các phương tiện trên mặt đất.
Người dân Indonesia đánh giá, tàu điện ngầm là phương tiện giao thông công cộng rất hiệu quả, giúp giảm số lượng các phương tiện giao thông cá nhân lưu thông, qua đó khắc phục tình trạng tắc đường, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm.
Cùng với hệ thống xe buýt Transjakarta (BRT), tàu điện ngầm là phương tiện giao thông công cộng sẽ được người dân lựa chọn.
Ngoài ra, MRT ưu việt vì nó an toàn hơn, sạch sẽ hơn, nhanh hơn và hiện đại hơn so với những chiếc xe buýt của tư nhân không thuộc Transjakarta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.