(HNM) - Thời gian qua, hoạt động giám sát, phản biện xã hội được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thuộc TP Hà Nội triển khai có hiệu quả, ngày càng nâng cao chất lượng.
Ban Giám sát cộng đồng xã Ba Trại (huyện Ba Vì) kiểm tra thực tế công trình làm đường liên xã. Ảnh: Bá Hoạt |
Giám sát chặt, hiệu quả cao
Khi triển khai dự án chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với hạ ngầm đường dây cáp trên tuyến phố Quang Trung - Ngô Văn Sở, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) chủ động phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị thi công tổ chức họp các hộ dân có liên quan để tuyên truyền, vận động. Nhờ đó, các hộ dân đều đồng tình hưởng ứng. Mặc dù dự án được thi công vào ban đêm, nhưng 5 thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phường vẫn phân công nhau giám sát chặt chẽ. Qua giám sát đã kiến nghị đơn vị thi công khắc phục và hoàn trả mặt bằng ngay sau khi hạ ngầm đường dây cáp, bảo đảm vệ sinh môi trường, được nhân dân rất đồng tình.
Thực hiện giám sát 18 công trình đầu tư xây dựng trên địa bàn xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh), Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã đã phát hiện 2 công trình thi công sai thiết kế, 3 công trình vật tư không bảo đảm chất lượng, 6 công trình thi công ảnh hưởng tới môi trường và giao thông đi lại của người dân. Qua đó, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã đã kịp thời nhắc nhở, lập biên bản báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời.
Những trường hợp trên nằm trong số gần 40.000 vụ việc được ban giám sát đầu tư của cộng đồng các địa phương thực hiện trong 10 năm qua, cho thấy công tác này ngày càng được nâng cao về chất lượng, số lượng. Thông qua giám sát đã phát hiện hơn 10.000 công trình, dự án vi phạm, kiến nghị khắc phục và xử lý 908 vụ. Đặc biệt, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã huy động các tầng lớp nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; triển khai Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; quản lý đất đai; trật tự xây dựng đô thị; tiếp công dân…
Trưởng ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm) Dương Văn Đông chia sẻ: “Giám sát là công việc phức tạp, nếu không nhiệt tình, trách nhiệm khó làm tròn nhiệm vụ. Để việc giám sát bảo đảm khách quan, từng thành viên ban giám sát đầu tư của cộng đồng phải phối hợp với chính quyền và nhân dân để tìm hiểu, bám sát quá trình triển khai thực hiện”.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách
Cùng với hoạt động giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội còn đi đầu cả nước trong hoạt động phản biện xã hội. Tuy là nội dung mới nhưng Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tổ chức được 34 hội nghị phản biện xã hội vào các dự thảo, nghị quyết, tờ trình... của UBND thành phố trình tại các kỳ họp HĐND thành phố. Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện tổ chức 194 hội nghị phản biện xã hội; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã tổ chức 1.193 hội nghị phản biện xã hội gắn với các nội dung thiết thực, cụ thể. Kết quả, các cuộc phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố thực hiện đều được UBND thành phố ghi nhận, chỉnh sửa, hoàn thiện văn bản, giới khoa học, nhân dân đánh giá cao, HĐND thành phố thông qua.
Hội nghị phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội về Quy định về quản lý bán, cho thuê, thuê, mua nhà ở xã hội trên địa bàn. |
Ông Nguyễn Văn Nam, ở phường Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng) bày tỏ: “Qua theo dõi, tôi đánh giá cao việc Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức hội nghị phản biện về các dự thảo nghị quyết của HĐND thành phố. Điển hình như cuộc phản biện về dự thảo Nghị quyết “Sửa đổi, bổ sung một số loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố”. Đây là hoạt động thiết thực, góp tiếng nói của các tầng lớp nhân dân, nhà khoa học, nhà quản lý để HĐND thành phố thông qua nhằm chấn chỉnh, quản lý tốt hơn hoạt động trông giữ xe trên địa bàn thành phố, chống ùn tắc, ô nhiễm môi trường”.
Ông Lê Xuân Lương, ở phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) chia sẻ: "Qua theo dõi hội nghị phản biện của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố “Quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện Đề án chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018-2020”, tôi thấy, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố làm việc rất chặt chẽ. Trước khi phản biện đã đi khảo sát thực tế, vì vậy, các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục đưa ra ý kiến rất xác đáng. Tôi rất mừng khi đề án này được thành phố triển khai trong năm học 2018-2019”.
Để thực hiện tốt công tác phản biện, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã ký kết Quy chế phối hợp phản biện xã hội với HĐND, UBND thành phố. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tích cực, chủ động sáng tạo, phối hợp với chính quyền thực hiện có hiệu quả công tác phản biện xã hội theo quy định. “Qua giám sát, phản biện, MTTQ và nhân dân giúp chính quyền các cấp tiếp thu, điều chỉnh nhiều dự án, đề án, chương trình hành động sát với đời sống xã hội. Đây cũng là hoạt động bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, thể hiện ý chí, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân” - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Bùi Anh Tuấn khẳng định.
Tuy nhiên, việc tổ chức giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp hiện nay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và quyết tâm của từng cá nhân, đơn vị. Cùng với đó, nhận thức về vai trò giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số cấp ủy chưa cao, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Để hoạt động giám sát, phản biện xã hội đạt hiệu quả hơn, ngoài sự nỗ lực của MTTQ Việt Nam các cấp, rất cần sự phối hợp nhịp nhàng hơn nữa của chính quyền, sự đồng hành của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.