“Cổ” và “cũ” của Hà Nội quyến rũ hẳn không phải ở sự tinh tươm sang trọng như bên Âu Mỹ, mà cứ phải lộn xộn, mất trật tự tý.
Nhà ống xây gạch từ đầu thế kỷ XX, chắc hẳn gắn với giai đoạn người Pháp bình định xong Bắc Kỳ, Toàn quyền Paul Doumer bắt đầu cuộc khai thác thuộc địa. Thị dân từ quê ra, cắt đuôi “bán nông”, còn lại phần thương nhân, nhưng quần tụ theo gia tộc. Mỗi nhà riêng một không gian với cửa hàng, giếng giời, gác để hàng, gian thờ, chỗ ở của bố mẹ và các con, trong cùng là bếp, hố xí, giếng…, nền nếp theo tinh thần gia trưởng. Sát sạt, đấu lưng vào nhau, cứ thế tạo thành những ô phố.
Cuối năm 1946, Toàn quốc kháng chiến nổ ra. Đất thánh tơi bời đạn lửa đến mùa xuân năm 1947. Hàng Buồm nhiều người Hoa được hai bên Việt - Pháp thỏa thuận là khu phi quân sự. Đất lành nhiều người đến nương náu; cao lâu, tiệm hút, hiệu thuốc Bắc vẫn mở.
Đấy là nghe kể lại, chứ khu phố tôi lớn lên, còn nhớ thì khổ quá, ai cũng khổ thành quen, chả kêu ca “phản biện” như giờ. Những năm sáu mươi của thế kỷ trước, các đợt dân mới đến theo thời cuộc, người khai hoang bỏ về thì chật ních, chen chúc. Là “đặc sản kiến trúc” đấy, lại gắn câu “phố cổ nhà khổ”. Xập xệ, ngột ngạt, chung chạ nhiều chủ, cả số nhà mỗi công tơ điện nên cãi cọ thường xuyên. Dột nát, xà gỗ đỡ mái chôn vào tường vôi ăn mủn nhưng có tiền cũng không thể sửa, vì bên dưới nhà nước quản lý trên gác vẫn của tư nhân. Kiến trúc sư Hoàng Phúc Thắng người gốc Trần Nhật Duật đưa ra phương án “khoét”. Các ô phố giữ lại mặt tiền, bên trong xây nhà cao ưu tiên dân “bản địa”. Nhưng khoét khó quá nên “đặc sản” còn đến nay.
Bên trong nhà chen chúc, đụng chạm, xửng cồ rồi chửi bới. Cô thiếu nữ xinh xắn sáng ra đứng cửa nhà xí chung nhăn nhó vò giấy. Tinh thần gia trưởng mai một, chị em dâu cạnh khóe nhau vì bát mỡ qua đêm vơi đi. Ngoài đường không còn vỉa hè, tha hồ đi bộ đánh võng. Gốc bàng bên quán nước bên xe bát bảo lường xà, tối đổi ca chí mà phù, dễ chết non vì bếp than tổ ong. Thỉnh thoảng xác chuột vứt ra, không kịp thối vì bánh xe qua lại đã "chế biến" thành “bánh đa”.
Nhiều nỗi thế, nhưng phố cổ tấc đất tấc kim cương, mét vuông vỉa hè nuôi cả nhà. Trường học tốt nhờ thầy giỏi, lớp nhồi 60 đứa. Và ăn ngon, nhãn vải đầu mùa cốm đầu nia phục vụ tận mồm, các mợ đầu "thời thị trường” còn thon thả, bán hàng dăm năm đã ra "eo bánh mỳ". Những Đồng Xuân Bắc Qua, Hàng Bè, Hàng Da đắt thật nhưng miếng rau miếng thịt đều nõn nà.
Kêu khổ mà ít người dời đi, sống theo triết lý “ăn hết nhiều chứ ở thì mấy”. Tặc lưỡi thế chứ thật lắm nỗi khổ không kêu được. Sáng đang ôm vợ đầu giường lộc cộc guốc hàng xóm “đi ngoài”. Bữa tươi phải giấu chú em - nhà nghèo hơn. Nên hục hặc dẹp lại, điều đình thay đổi ngôi nhà ống dù diện tích teo vài mét vuông. Nhu cầu riêng tư đẻ ra con ngõ rộng gần mét ngăn từng hộ, đủ chỗ cho gánh nước, xe đạp qua. Trẻ con lại có “tiện ích” khác. Tối ấy chơi trốn tìm, tôi chạy đại vào ngõ rất kín nhưng đầy muỗi, gặp đôi thanh niên đang “chổng mỏ” vào nhau. Phía trong lộc cộc, ngọn đèn bão đỏ quạch lừ lừ, ông đổi thùng hắng giọng đi ra. Tôi không chịu nổi mùi hôi thối bèn vùng ra ngoài, chả hiểu sao anh chị ấy trụ lại kiên cường được. Sau ngõ đến “phong trào” gác xép, trổ vào tường mủn, cạnh dây điện ải. Có nhà trên dưới điều đình lấp giếng giời, tăng được diện tích nhưng bên dưới tối cả ngày, ít khí thở. Đáng được gọi “kỷ nguyên mới” là “nền văn minh toa lét”.
Sau năm 1975, nhiều người đi miền Nam ra mới nhận thấy khu phụ đáng được coi là khu chính, bèn bỏ cả cây vàng cải tạo bếp và chỗ vệ sinh. Nhưng phải đến khi Phần Lan xây giúp mấy nhà máy nước thì xu hướng này mới thành “cao trào”. Với nhiều người có tuổi ở phố cổ, “nước Phần Lan” là một biểu tượng hạnh phúc.
Thời chiến thì tôi không ở nhà, chả rõ hiệu sách Trung Văn bên kia đường biến mất lúc nào. Hội quán Quảng Đông thành Trường mẫu giáo Tuổi Thơ, Hội Văn học nghệ thuật thế chỗ Hội Hoa Liên. Năm 1978, Hoa kiều rục rịch ra đi, để lại bí truyền làm quẩy, bánh bẻng, quay thịt cho vài nhà Việt. Tôi mất bạn thân Sơn “trắng”. Nhà bà Phùng tổ phó tổ len ở lại vì dâu rể đều Việt cả. Nhiều gia đình khó khăn, thương binh liệt sĩ được phân vào chỗ trống. Dường như nạn kiều về cố quốc có số phận kém may mắn hơn số chạy sang nước khác. Sau này có người Hoa “cũ” quay lại, tần ngần nhìn mái ngói xưa rồi vào hội quán cũ, đền Quan Đế thắp hương.
Chật ninh ních. Mùi, vị, tiếng ồn, bụi bậm…, cái gì cũng đặc sệt quá mức, áp đảo người ta. Nhưng cái khổ khó kêu ca là quan hệ trong nhà ngoài ngõ, cứa vào tâm não từng bữa ăn, giấc ngủ. Là di sản, bảo tồn sự “cổ kính” nên có quy định không được lên cao tầng, ai “đánh lẻ” được nhất thiết phải giữ lại mặt tiền. Nhà ống thú vị với tư cách di sản kiến trúc “Ba sáu phố phường”, chứ là nơi ở thì thiếu nhiều điều kiện quá. Mỗi cá thể muốn mơ ước, phát triển cứ phải “ở bầu thì tròn” thì vẫn là “thị dân non”. Khu phố cổ như chàng trai đang thì, sức sống cơ thể, khát vọng làm ăn hừng hực khiến “áo” chật căng chỉ chực rách.
***
Bánh cuốn Phượng ở Đào Duy Từ, nhà hẹp lòng, sáng ra phải chờ vì đông trẻ đi mẫu giáo. Một dạo không thấy đâu, rồi bất ngờ gặp lại, chỗ mới dưới cây xà cừ tỏa bóng xuống di tích Ô Quan Chưởng. Bà Phượng nối nghề mẹ, đã “kinh qua” bếp than, dầu hỏa rồi gas, giờ cũng có tuổi, pha nước chấm khiến khách muốn húp đến hết. Tôi thỉnh thoảng quay lại phố cổ chỉ để ăn món ấy, tay ấy nấu. Phở Vui Hàng Giầy, phở Sướng ngõ Trung Yên đã ninh xương nồi điện cả, nhưng các thức vẫn phải cân đong cẩn thận. Đang ăn ngẩn ra, hình như thiếu hơi than ngột ngạt, thực khách sao có thể vừa và húp vừa hóng điện thoại, phí công phu người nấu.
Rồi thả bộ ra Hàng Buồm, quán nước ông cụt tay bên Hội quán Quảng Đông cũ. Cốc nước chè ba nghìn không tệ, đủ để chiêm nghiệm chốn xưa của mình. Phố xá sạch, cây vẫn ít nhưng sinh hoạt chậm hơn, mặt người chừng cũng giãn hơn, không căng thẳng “cơm áo gạo tiền” bằng trước. Xe du lịch loại vừa loe lóe tránh nhau từ tốn. Tây “ba lô” rất nhiều, từng cặp tay trong tay, vợ chồng già “đánh võng” nhường nhau khoảnh vỉa hè. Hoàn Kiếm đang trở thành khu du lịch sầm uất, khách sạn gần bờ Hồ phòng nghìn đô một đêm.
Nhưng “cổ”, “cũ” của Hà Nội quyến rũ hẳn không phải ở sự tinh tươm sang trọng như bên Âu Mỹ, mà cứ phải lộn xộn, mất trật tự tý. Bên Lương Ngọc Quyến, đầm non ưa ngồi phệt hút thuốc, tu bia chai Heineken cạnh “dòng” cống không đến nỗi nặng mùi, cho thế mới đúng kiểu. Hội quán Quảng Đông - đền Quan Đế thành chỗ trưng bày, tham quan. Đền Bạch Mã vẫn nghi ngút khói hương để biển dặn khách đừng mặc cũn cỡn. Tạ Hiện thành “phố không ngủ”, thuê nam thanh, nữ tú rành tiếng Anh, Pháp, Ý chạy bàn. Cuối tuần, các ban nhạc thay nhau chơi ở ngã tư Hàng Buồm - Mã Mây. Số 50 Đào Duy Từ kén khách hơn, bỏ khá tiền mới xem được nhóm Xuân Hoạch diễn ca trù.
Đấy là những gì nhìn thấy. Ngắm những ngôi nhà xây mới, vẫn không được cao quá, trong đó có số 63 “của mình”, tôi đoán cơ cấu dân cư đã đổi theo hướng ít chủ đi. Người có tiền mua từng phần rồi dần dần một mình sở hữu cả nhà, thậm chí vài nhà. Cũ kỹ nguy hiểm ít hơn, tầng nào cũng đủ tiện nghi, tối thiểu là khu vệ sinh. Sống trong “ngôi nhà kim cương” ấy con người ta được phong lưu hẳn. Thời thế cũng chiếu cố những hộ bình thường trong nhà ống cổ điển, khi người ta sắp xếp được với nhau, để mỗi cá thể có không gian riêng, “méo mó có hơn không”.
Mà thôi, cứ chiêm nghiệm thế này khéo mình còn già hơn phố cổ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.