Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ doanh nghiệp: Mục tiêu không có điểm dừng

Hồng Sơn| 09/04/2018 06:17

(HNM) - Huy động các nguồn lực xã hội vào phát triển sản xuất; xóa bỏ những điều kiện kinh doanh phi lý..., hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển được Chính phủ xác định là mục tiêu không có điểm dừng.

Huy động các nguồn lực xã hội vào phát triển sản xuất là việc làm cần thiết. Ảnh: Nhật Nam


Tập trung huy động nội lực

Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức, nhưng nguồn lực tổng hợp của xã hội chưa đưa vào sản xuất được đánh giá là rất lớn. Trong đó, chỉ tính riêng lượng vàng đang có trong dân ước tính tương đương hơn 20 tỷ USD. Vấn đề đặt ra là làm gì để huy động được tối đa các nguồn lực trong dân thông qua hoạt động đăng ký thành lập doanh nghiệp mới.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung, mấu chốt để tạo ra làn sóng khởi nghiệp là cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh; đồng hành cùng doanh nghiệp, đáp ứng tất thảy nhu cầu chính đáng của họ từ khi tham gia đến lúc rút khỏi thị trường. Trong đó, việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, gỡ bỏ các rào cản, điều kiện kinh doanh bất hợp lý được xác định là yếu tố quyết định mức độ thành công của hoạt động phục vụ doanh nghiệp nói chung.

Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gấp rút hoàn thiện dự thảo của Nghị quyết 19/NQ-CP về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (phiên bản năm 2018) để trình Thủ tướng Chính phủ. Đây sẽ là những yếu tố đầu vào quan trọng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Ông Nguyễn Đình Cung cũng nhấn mạnh, từ năm 2014 đến nay, loạt Nghị quyết 19 của Chính phủ được ban hành qua các năm luôn tạo ra sự thay đổi tích cực về môi trường kinh doanh, hỗ trợ làn sóng khởi nghiệp theo hướng ngày càng lan tỏa, đạt những mục đích cụ thể, được cộng đồng doanh nghiệp đồng thuận. Cụ thể, môi trường kinh doanh Việt Nam thăng hạng liên tục qua các năm, ở nhiều khía cạnh và tiêu chí. Riêng năm 2017 vừa qua đã tăng 14 bậc trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.

Sự vào cuộc đồng bộ

Theo kết quả điều tra, xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp địa phương vừa qua của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hầu hết các tỉnh, thành phố đều có sự cải thiện khá rõ về chất lượng môi trường kinh doanh trên địa bàn; chất lượng công tác điều hành phát triển kinh tế đã nâng lên một bước đáng kể. Tổng kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt mức cao kỷ lục trong năm 2017 đã minh chứng cho nhận định này.

Các chuyên gia cho rằng, “cái được” lớn hơn nữa là sự biến chuyển tích cực trong hệ thống cơ quan chức năng, với việc xác lập cách làm việc, hành xử vì doanh nghiệp. Đến nay, các bộ, ngành và địa phương đã coi việc hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động, tạo làn sóng khởi nghiệp chính là tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Trong đó phải kể đến việc Bộ Công Thương đã bãi bỏ hơn 50% tổng số điều kiện kinh doanh trong ngành; Bộ Xây dựng cũng đang nỗ lực rà soát, lên phương án bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh không phù hợp...

Ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, hoạt động cải cách vì doanh nghiệp đã và đang triển khai theo hướng kịp thời, thiết thực và góp phần khích lệ phong trào khởi nghiệp nói chung. Doanh nghiệp ngày càng gia tăng niềm tin vào tương lai thị trường vì hệ thống văn bản, quy định pháp luật về kinh doanh ngày càng hoàn thiện; đặc biệt là thể hiện rõ sự đồng bộ, minh bạch hơn hẳn so với thời gian trước. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng ghi nhận, đánh giá cao chuỗi hoạt động đồng hành của cơ quan chức năng như gặp gỡ trực tiếp, đối thoại, tham vấn...

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hiện Bộ cùng các cơ quan chức năng khác đang tích cực vào cuộc, triển khai nội dung chỉ đạo của Chính phủ; trong đó sẽ tập trung vào Nghị quyết 19; cải thiện những chỉ số mà Việt Nam còn ở vị trí thấp, chậm cải thiện trong nhiều năm như chỉ số khởi sự kinh doanh, giải quyết phá sản doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp hợp đồng, đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản...

Tháng 3-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2018/ NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp. Trong đó, hướng dẫn việc thành lập Quỹ đầu tư cho loại hình doanh nghiệp này nhằm khắc phục một phần khó khăn về vốn của các đơn vị sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các địa phương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong thời gian 5 năm thông qua hành động cụ thể...

Trong khi đó, Nghị định 39/2018/NĐ-CP cũng vừa ban hành, quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa được cử lao động tham gia khóa đào tạo sơ cấp hoặc chương trình đào tạo nghề dưới 3 tháng thì được miễn chi phí đào tạo.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hoạt động rà soát, bãi bỏ những quy định, điều kiện kinh doanh bất hợp lý phải là thường xuyên, vì doanh nghiệp; nhưng cần lưu ý rằng các nước khác cũng vào cuộc mạnh mẽ, ngày càng vươn lên trong quá trình nâng cao sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh, tạo bệ đỡ cho phong trào khởi nghiệp cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Từ đó, các cơ quan chức năng cần ý thức đầy đủ thực tế này để phấn đấu ở mức tối đa nhằm đạt được sự tiến bộ thật sự khi so sánh với các nước khác...

Từ thực tế trên có thể thấy, hỗ trợ doanh nghiệp để tạo làn sóng khởi nghiệp là chiến lược dài hơi và không thể có điểm dừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ doanh nghiệp: Mục tiêu không có điểm dừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.