(HNM) - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tập hợp đủ số phiếu cần thiết tại Thượng viện để bảo đảm thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran giữa tháng 7 vừa qua có hiệu lực.
Kết quả này có được sau khi Thượng nghị sĩ Dân chủ bang Maryland Barbara Mikulski trở thành Thượng nghị sĩ thứ 34 tuyên bố ủng hộ cách tiếp cận của người đứng đầu nước Mỹ trong vấn đề Iran. Đây có thể coi là một thắng lợi quan trọng của chính quyền Tổng thống B.Obama sau những nỗ lực vận động hành lang trong mùa hè vừa qua.
Thỏa thuận hạt nhân với Iran chính thức được triển khai được cho là sẽ giúp thế giới an toàn hơn. |
Tới nay đã có 32 Thượng nghị sĩ Dân chủ và 2 Thượng nghị sĩ độc lập tuyên bố ủng hộ thỏa thuận, đồng nghĩa với việc phe Cộng hòa sẽ không thể tập hợp đủ đa số áp đảo tại Thượng viện gồm 100 ghế của nước này để thông qua nghị quyết bác bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran và vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống.
Các cố vấn của những nhà lãnh đạo Dân chủ tại Quốc hội Mỹ cho biết: Mục tiêu tiếp theo của những người ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran là tập hợp ít nhất 41 phiếu đồng thuận để ngăn chặn nghị quyết bác bỏ thỏa thuận do phe Cộng hòa đề xuất. Để làm được điều này, Chính quyền của Tổng thống B.Obama cần giành thêm được 7 lá phiếu nữa trong số 10 Thượng nghị sĩ vẫn chưa tuyên bố ủng hộ hay phản đối thỏa thuận. Tuy nhiên, ngay cả khi Quốc hội Mỹ có thông qua một nghị quyết bác bỏ thỏa thuận hạt nhân mà nhóm P5+1 đạt được với Iran, điều đó cũng chỉ đồng nghĩa với việc cơ quan lập pháp Mỹ duy trì các đòn trừng phạt của nước này đối với Tehran, chứ không thể ngăn chặn thỏa thuận này có hiệu lực. Bởi trên thực tế Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phê chuẩn thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 7 vừa qua và đề ra những cách thức dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.
Trong bối cảnh phe Cộng hòa nắm giữ quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội và đang nhắm tới mục tiêu là Nhà Trắng, việc Tổng thống B.Obama vận động được nhiều nhà lập pháp ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran đang đưa nhà lãnh đạo này ngày càng tiến gần hơn tới một chiến thắng quan trọng, nhiều khả năng sẽ là di sản nổi bật của ông trên cương vị người đứng đầu đất nước. Thỏa thuận này, theo ông B.Obama và những người ủng hộ, nếu thành công sẽ là nhân tố giúp thế giới trở nên an toàn hơn trước tham vọng hạt nhân của Iran. Tổng thống B.Obama từng tuyên bố: Nếu Quốc hội Mỹ tìm cách "giết chết thỏa thuận", thì cũng là "giết chết uy tín của nước Mỹ" và khiến toàn bộ chính quyền Mỹ phải đứng trước một lựa chọn duy nhất, đó là một cuộc chiến tranh mới tại Trung Đông. Trong khi đó, mới đây, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power nhấn mạnh, việc bác bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ khiến Washington bị cô lập về ngoại giao và làm suy yếu đáng kể khả năng Mỹ đạt được các mục tiêu khác trong chính sách đối ngoại.
Tuy nhiên, những người phản đối không ngừng cảnh báo rằng, thỏa thuận hạt nhân Iran có thể sẽ trái ngược với dự đoán và chính quyền của Tổng thống B. Obama đã đi quá xa trong những nhượng bộ với Iran. Trong mọi trường hợp, thỏa hiệp hạt nhân sẽ là mối hiểm nguy cho Mỹ và cho cả nhân loại. Chủ tịch Hạ viện John Boehner khẳng định "thà không có thỏa thuận còn hơn là một thỏa thuận tồi". Theo quan điểm của đảng Cộng hòa, chính quyền Hồi giáo của Iran, ngoài tham vọng chế tạo bom nguyên tử, còn bành trướng thế lực tại Syria, Lebanon, Gaza và Yemen, chống lại quyền lợi của Mỹ và các đồng minh khu vực nhất là Arab Saudi và Israel. Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran và chấm dứt phong tỏa những tài sản của nước này tại các ngân hàng phương Tây, vốn được dự kiến trong thỏa thuận, sẽ cho phép Tehran nhận hàng tỷ USD và một phần trong số đó sẽ được dùng để hậu thuẫn các nhóm cực đoan ở Trung Đông.
Dự kiến, các nhà lập pháp tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ sẽ tiến hành thảo luận về thỏa thuận này ngay khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ thu vào ngày 8-9 tới và có kế hoạch bỏ phiếu về "một dự luật bác bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran" vào ngày 17-9. Nhiều khả năng Quốc hội (do đảng Cộng hòa kiểm soát) sẽ bỏ phiếu chống. Đương nhiên, Tổng thống B.Obama sau đó sẽ phủ quyết điều này. Có thể thấy, dù đối mặt với nhiều sức ép, song với những nỗ lực đang được tiến hành, vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ một lần nữa cho thấy quyết tâm bảo vệ đến cùng thành quả đạt được sau một thời gian đàm phán khó khăn. Với những bước đi đang dần hiện thực hóa chính sách với Iran, hai năm cuối cùng trong nhiệm kỳ này của Tổng thống B.Obama sẽ được ghi dấu bởi những cam kết có ý nghĩa bước ngoặt với Mỹ và cả thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.