Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về kế hoạch tái khởi động nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Tuy nhiên, động thái này có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra sự cố.
Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân với công suất 6 gigawatt, trở thành mục tiêu của các cuộc tập kích bằng máy bay không người lái thời gian gần đây. Nga và Ukraine đã đổ lỗi cho nhau về các vụ tấn công, trong khi IAEA kêu gọi chấm dứt tình trạng những vụ việc tương tự để ngăn ngừa nguy cơ xảy ra sự cố nghiêm trọng tại nhà máy này.
Theo Wall Street Journal, IAEA đã nhận được các báo cáo cho rằng, Nga đang tìm cách khôi phục hoạt động tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, với mục tiêu kích hoạt ít nhất một lò phản ứng. Dự kiến, nhà máy điện do Nga kiểm soát sẽ hoạt động trở lại vào tháng 12-2024, đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày kết nối với lưới điện của Liên Xô.
Hồi tháng 3, tại cuộc gặp với Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi tại thành phố Sochi, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã khẳng định kế hoạch tái khởi động nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Tuy nhiên, Nga khi đó không đề cập đến chi tiết kế hoạch hoặc thời điểm cụ thể.
Việc khởi động lại lò phản ứng ở nhà máy cung cấp khoảng 1/5 sản lượng điện của Ukraine trước năm 2022 sẽ kéo theo những thách thức về kỹ thuật, đồng thời tạo ra mối nguy hiểm mới cho cuộc khủng hoảng an toàn vốn đã nghiêm trọng đến mức IAEA phải tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 11-4.
Năm trong số 6 lò phản ứng của Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hiện ngừng hoạt động. Lò phản ứng cuối cùng chỉ hoạt động ở mức đủ để bảo đảm những quy trình an toàn cơ bản nhất. Việc tái khởi động một lò phản ứng sẽ khiến nhiệt độ tăng cao, trong khi các chuyên gia đặt câu hỏi liệu nguồn nước từ một đập thủy điện bị phá hủy năm 2023 có đủ để làm mát lò phản ứng này hay không.
Ngoài vấn đề kể trên, Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia cũng cần một số nguồn điện dự phòng đáng tin cậy để duy trì các hoạt động khẩn cấp nếu lò phản ứng ngừng hoạt động. Đường dây điện đến và đi từ nhà máy này cũng cần được sửa chữa nhưng lượng điện không đủ vẫn có thể dẫn tới rủi ro do các lò phản ứng hoạt động ở mức dưới 1/3 công suất có xu hướng kém ổn định hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.