(HNM) - Gần một tuần qua, dư luận sôi sùng sục vì tin K+ đã có bản quyền truyền hình Giải Bóng đá ngoại hạng Anh (EPL) trong ba mùa bóng tới tại Việt Nam. Giữa cái mớ bòng bong xung quanh chuyện bán - mua tưởng như bình thường này là tâm trạng của người hâm mộ bóng đá (có vẻ như đa số là buồn, phẫn nộ), là "cuộc chiến nhỏ" về truyền thông "xung quanh hiện tượng K+" - xét trên sự thể hiện ở một số ấn phẩm báo chí, tinh ý mới có thể cảm nhận được.
Đó còn là sự trách móc dành cho VTV, bị cho là vì dành ưu ái cho "đứa con út" K+ mà phải chịu tổn thương với hàng xóm - số đơn vị truyền hình trả tiền đã đặt niềm tin vào một cuộc thương thảo minh bạch "cùng bán, cùng mua".
Đó còn là tâm lý bất an từ khách hàng truyền hình trả tiền của VTC, HTV, kể cả VCTV và SCTV khi không biết hôm nay mình được xem gì, ngày mai được xem gì, ba năm nữa có thể xem gì.
Đó còn là sự khó chịu về thứ quan điểm mang tính quy chụp mới xuất hiện vài năm nay, rằng người Việt Nam cần phải quen với việc trả tiền tương xứng với chất lượng dịch vụ mà mình chọn, rằng bản quyền EPL ở nhiều nước còn có giá cao hơn mức giá áp dụng cho thị trường Việt Nam. Khi thông tin về K+, một số nơi đã nêu vấn đề nói trên, như thể ngầm lý giải cho mức phí dịch vụ cao hơn bình thường của K+ mà không cần biết nhiều người không dùng K+ là để phản đối một chính sách kinh doanh dựa trên sự độc quyền, không cần biết mức thu nhập của người Việt Nam chưa thể bằng nhiều nước, không cần biết K+ có chương trình gì tạo ra sự khác biệt, ngoài EPL mà giá đầu thu, giá dịch vụ cao đến thế…
Điều quan trọng là từng ấy biểu hiện xuất phát từ loạt thông tin thuộc dạng không thể mù mờ hơn. Sau vài ngày trách móc dồn dập, phía liên quan mới nhỏ giọt thông tin, rằng (có thể) K+ sẽ được chuyển giao bản quyền truyền hình EPL từ Canal+. Nói thế cũng như không nói gì, bởi đến lúc ấy, điều người ta cần biết nhất là K+ sẽ được "thừa hưởng" những gì từ Canal+ (gói bản quyền chủ nhật, trận đấu sớm tối thứ bảy, trận hay nhất trong "giờ vàng" thứ bảy, loạt trận giữa tuần hay "phía K+" đã ôm trọn các gói ấy) chứ không phải thông tin về K+ mà ai cũng đã biết.
Hôm qua, trên một tờ báo xuất hiện thông tin một số đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền vẫn sẽ họp lại trong tuần tới để thống nhất phương án mua bản quyền EPL. Họp để làm gì khi thông tin bị "trói", đến nỗi giờ phải mua của ai, có thể mua gì cũng không biết? Họp, vẫn trung thành với quan điểm xuyên suốt từ đầu, là "cùng mua hoặc cùng không mua", sau khi đã hai năm rõ mười là giờ chỉ còn "hàng tồn"?
Những hệ lụy sau một thương vụ tưởng là bình thường hóa ra không đơn giản. Từ những gì được coi là mù mờ, những luồng thông tin qua lại được coi là "thiếu thuyết phục", và từ dư luận không mong muốn hình thành sau đó, người hâm mộ đã thể hiện sự mất lòng tin vào tính minh bạch trong thương vụ này. Một thương vụ đậm dấu ấn nước ngoài nhưng không thể xóa sạch trách nhiệm của phía kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước. Trách nhiệm với khách hàng của họ - không chỉ là VCTV, SCTV, mà còn là VTC, HTV, trong đó có những người quyết không dùng dịch vụ K+ kể cả khi có đủ điều kiện để làm việc đó suốt gần ba năm qua.
Trong những cuộc bàn luận quanh chủ đề EPL, nhiều người không muốn K+ sụp đổ, bởi nếu thế thì VTV của người Việt Nam chúng ta cũng bị ảnh hưởng không có lợi. Nhưng, không muốn K+ sụp đổ là một chuyện, chọn dùng K+ lại là chuyện khác, nó liên quan đến niềm vui của đa số, chủ yếu là những người không đủ tiền để chọn dùng thứ dịch vụ chỉ có mỗi EPL là đáng kể. Biết đâu, nếu tình trạng tẩy chay K+ bị đẩy lên, như một số bạn đọc đã phát biểu trên một tờ báo xuất bản vào ngày hôm qua, 24-2, những nhà kinh doanh không có gì đáng kể ngoài "món độc quyền" sẽ thay đổi chính sách?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.