Văn hóa

Cần xử lý “điểm” một số vụ vi phạm bản quyền báo chí để răn đe

Nguyễn Lê 16/03/2024 - 17:54

Các cơ quan báo chí là nạn nhân thường xuyên của tình trạng ăn cắp bản quyền. Để ứng phó, các chuyên gia tham dự Hội báo toàn quốc 2024 cho rằng cần chủ động áp dụng các giải pháp công nghệ để tự bảo vệ.

phien10_1.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận.

Chiều 16-3, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2024 tại thành phố Hồ Chí Minh, đã diễn ra buổi thảo luận chuyên đề “Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số”.

Tại phiên thảo luận, nhà báo Dương Quang, Phó Tổng Biên tập Báo Người lao động cho biết, các cơ quan báo chí là nạn nhân thường xuyên của tình trạng ăn cắp bản quyền. Báo Người lao động cũng không ngoại lệ. Nhà báo Dương Quang dẫn chứng, trước năm 2020, báo có khoảng 8.000-10.000 tin, bài bị khai thác trái phép mỗi năm.

Để ứng phó, Báo Người lao động đã tiến hành một số giải pháp chủ động hơn như: Thành lập Tổ bản quyền, xây dựng mạng lưới cảnh giới và báo tin rộng khắp trên các nhóm mạng xã hội, phát hành thông tin cảnh báo chống ăn cắp; báo cáo kịp thời với Sở Thông tin và Truyền thông về các trường hợp vi phạm; sử dụng phần mềm để rà soát, phát hiện nạn lấy cắp tác phẩm…

Cũng theo nhà báo Dương Quang, từ 2 năm trước, Báo Người lao động đã thành lập Tổ pháp lý, chuyên trách 8 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ bản quyền, chống xâm phạm và xử lý xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí. Đồng thời, dựng "tường phí". Cụ thể, đối với những tác phẩm báo chí chất lượng cao, độc quyền, đưa vào chuyên mục thu phí đọc báo “Dành cho bạn đọc VIP”. Nhờ đó, Báo Người lao động thu được tiền để bù đắp một phần chi phí sản xuất, tối ưu hóa tác phẩm, hạn chế được tình trạng sử dụng lại tin, bài mà không xin phép.

phien10_2(2).jpg
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam Nguyễn Đức Tuấn phát biểu.

Nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập báo Dân trí cho rằng, các cơ quan quản lý cần quan tâm hơn các trang tin điện tử, thường theo thỏa thuận, các trang tin lấy nội dung từ cơ quan báo chí đăng lại phải có sự chấp thuận bằng văn bản. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều trang tin điện tử “phớt lờ” vấn đề này.

Về giải pháp bảo vệ bản quyền báo chí, theo nhà báo Phạm Tuấn Anh: Cần chủ động áp dụng các giải pháp công nghệ để tự bảo vệ và cảnh báo khi tin, bài của bên mình bị lấy mà chưa được sự đồng ý; chủ động đấu tranh công khai, trực diện các cá nhân và tổ chức có hành vi vi phạm bản quyền trên báo chí; ủy quyền cho bên thứ 3 (luật sư, tổ chức hành nghề luật, tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp được cấp phép) nhằm bảo vệ quyền lợi của mình theo cách chuyên nghiệp nhất; hình thành trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí có sự tham gia của các cơ quan báo chí, công nghệ và quản lý Nhà nước.

Cũng theo nhà báo Phạm Tuấn Anh, cơ quan có thẩm quyền cần “làm điểm” một số đối tượng, hành vi vi phạm để có tác dụng răn đe hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần xử lý “điểm” một số vụ vi phạm bản quyền báo chí để răn đe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.