Công nghệ

Ứng dụng công nghệ vật lý số khai thác bản quyền di sản

Châu Anh

Với giải pháp định danh số Nomion của startup Phygital Labs, bản quyền các hiện vật di sản sẽ được khai thác hiệu quả, góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa…

nam-do-co-founder-cto-phygital-labs-dai-dien-cong-ty-nhan-bang-khen.png
Đại diện Phygital Labs nhận danh hiệu “Startup tiên phong trong hành trình phát huy giá trị văn hóa di sản 2024”. Ảnh: Lê Vân

Ngày 5-8, tại hội nghị Ban chấp hành Liên hiệp các hội UNESCO thế giới lần thứ 43 và hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của phong trào UNESCO đối với công nghiệp văn hóa”, startup công nghệ Phygital Labs đã nhận danh hiệu “Startup tiên phong trong hành trình phát huy giá trị văn hóa di sản 2024” do Liên hiệp các hội UNESCO thế giới trao tặng.

Trước đó, Phygital Labs đã đưa công nghệ vật lý số vào phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa Việt thông qua các dự án, như: Định danh số tượng nghê Văn Miếu; định danh số cho 10 cổ vật đầu tiên tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế; ra mắt không gian triển lãm văn hóa Metaverse tích hợp Apple vision pro, tạo ra những trải nghiệm và cơ hội mới quảng bá văn hóa trên toàn cầu.

Cũng tại sự kiện, Phygital Labs đã giới thiệu ý tưởng “Ứng dụng công nghệ để khai thác bản quyền di sản, thúc đẩy công nghiệp văn hóa”. Với giải pháp định danh số Nomion, bản quyền các hiện vật di sản sẽ được khai thác hiệu quả thông qua 3 ý tưởng chủ đạo: Tạo nguồn thu từ việc bán vé tham quan triển lãm số; sản xuất và phân phối các món đồ lưu niệm là bản sao có chứng thực của các hiện vật di sản; tiến đến giao dịch các phiên bản số của hiện vật di sản trên chợ số, hay chợ vật lý số.

Định danh số là quá trình gắn mã định danh duy nhất cho mỗi hiện vật, giúp theo dõi và quản lý thông tin chi tiết về nguồn gốc và tạo ra giá trị số của chúng.

Từ giải pháp định danh số Nomion, công nghệ chip NFC và blockchain (chuỗi khối) được sử dụng để bảo đảm truyền tải dữ liệu nhanh chóng, an toàn, đồng thời, bảo vệ dữ liệu không thể giả mạo.

Quá trình này giúp các cơ quan quản lý di sản bảo vệ hiện vật hiệu quả hơn, chống lại hàng giả và trộm cắp bản quyền, đồng thời tạo thêm những xác thực khoa học.

Khi đã được định danh và xác thực, các hiện vật được trưng bày dưới dạng triển lãm số, cho phép du khách từ mọi nơi trên thế giới tham quan qua công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường (VR/AR) và XR (bao gồm 3 công nghệ VR/AR và thực tế hỗn hợp).

Triển lãm số không chỉ quảng bá di sản văn hóa toàn cầu dễ dàng mà còn tạo ra nguồn thu nhập bổ sung thông qua việc bán vé tham quan online.

toan-canh-su-kien.png
Quang cảnh hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của phong trào UNESCO đối với công nghiệp văn hóa". Ảnh: Lê Vân

Hội nghị Ban chấp hành Liên hiệp các hội UNESCO thế giới (WFUCA) lần thứ 43 và hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của phong trào UNESCO với công nghiệp văn hóa” do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam đăng cai, nhằm thúc đẩy giáo dục, khoa học, văn hóa và truyền thông toàn cầu. Hội nghị quy tụ 40 đại diện các quốc gia thành viên Liên hiệp các hội UNESCO thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ vật lý số khai thác bản quyền di sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.