(HNM) - Với hơn 1.200 lễ hội lớn, nhỏ trong một năm, Thủ đô Hà Nội là nơi sở hữu nhiều lễ hội nhất cả nước. Đây là niềm tự hào, cũng là thách thức không nhỏ cho chính quyền và nhân dân Thủ đô trong...
Du khách về trẩy hội chùa Hương trên dòng suối Yến. Ảnh: Thanh Tùng |
Loại hình ảnh xấu khỏi lễ hội
Từ đầu mùa lễ hội năm Kỷ Hợi 2019 đến nay, trên toàn thành phố đã diễn ra hơn 400 lễ hội. Như vậy, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã đi được 1/3 chặng đường với nhiều kết quả đáng ghi nhận như: An ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm được kiểm soát chặt chẽ; những phát sinh, biến tướng từ mùa lễ hội trước được đẩy lùi; hiện tượng lợi dụng nhu cầu tín ngưỡng của người dân để trục lợi được xử lý kịp thời…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết, ngành Văn hóa đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau lễ hội, bảo đảm không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ mất an ninh, trật tự. Những lễ hội có khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai được yêu cầu báo cáo kịp thời để phối hợp giải quyết.
Điểm qua một vài lễ hội tiêu biểu đã và đang diễn ra trên địa bàn Hà Nội, không khó để nhận thấy những chuyển động rõ rệt trong công tác quản lý và tổ chức. Tại Lễ hội Gióng ở đền Sóc (Sóc Sơn), sau nhiều năm xảy ra tình trạng hỗn loạn, mất an ninh trật tự, nay đã không còn những hình ảnh xấu xí, phản cảm. Phần lễ được tiến hành trang trọng, đúng nghi thức; phần hội được tổ chức bài bản. Đặc biệt, hình thức phát lộc thay thế tục cướp lộc đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của khách thập phương.
Bà Nguyễn Bích Ngọc (chung cư Home City, Trung Kính, Cầu Giấy) phản ánh, lễ hội đền Gióng năm nay không còn những hình ảnh tranh cướp lộc như nhiều năm trước, giúp người dân thực sự được hòa mình vào không gian lễ hội đậm đà bản sắc.
Ở Lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức), đã có hơn 4.000 thuyền đò được huy động phục vụ nhu cầu du xuân, trẩy hội của người dân. Hơn 200 chiến sĩ công an làm công tác an ninh, trật tự được tăng cường cho việc kiểm tra, giám sát, xử lý những vi phạm trong hoạt động lễ hội.
Theo Trưởng ban Quản lý khu di tích danh thắng Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển, đến nay, chùa Hương đã đón khoảng 900.000 lượt khách, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước, song an ninh trật tự và các điều kiện về tổ chức, quản lý lễ hội vẫn được bảo đảm. Dư luận khách hành hương về đây đã vợi hẳn tiếng kêu ca, phàn nàn.
Tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quý I-2019, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II-2019 của Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá: "Công tác tổ chức lễ hội đầu năm 2019 là điểm nhấn nổi bật trong kết quả thực hiện nhiệm vụ quý I-2019 của Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU. Đến nay, các lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh; người dân tham gia lễ hội cũng có ý thức hơn. Việc đốt, hóa vàng mã giảm, tình trạng ăn mặc phản cảm đi lễ hầu như không còn...".
Tiếp tục tăng cường công tác quản lý
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết, những kết quả đạt được là rất đáng khích lệ nhưng công tác quản lý và tổ chức lễ hội của Hà Nội vẫn còn 2/3 chặng đường phía trước, với không ít lễ hội lớn, lễ hội tồn tại những hạn chế… Vì vậy, thời gian tới, công tác quản lý và tổ chức lễ hội của Hà Nội sẽ tiếp tục được tăng cường.
Lễ hội Gióng ở đền Sóc (Sóc Sơn) được tiến hành trang trọng, đúng nghi thức, không còn những hình ảnh tranh cướp lộc. Ảnh: Quang Quyết |
Dù còn một tháng nữa lễ hội chùa Thầy (Quốc Oai) mới bắt đầu, song từ lâu, công tác chuẩn bị cho hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, giàu bản sắc đã được lên kế hoạch cụ thể. Đường từ đại lộ Thăng Long vào khu vực di tích đã được mở rộng lên 24m; nhiều thùng rác được bổ sung.
Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Vũ Hán, các mái tôn, hàng quán chiếm dụng lối đi đã được xử lý dứt điểm, bảo đảm cho du khách đi lại thuận lợi. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã lên phương án tăng cường an ninh trật tự, không để xảy ra các tệ nạn xã hội, mất an ninh trật tự. Đặc biệt, năm nay, cùng với phần lễ được thực hiện theo truyền thống, lễ hội chùa Thầy còn có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn, như: Trình diễn hát Dô, múa rối nước, các trò chơi dân gian…
Còn tại làng Sơn Đồng (Hoài Đức), thời gian này, công tác chuẩn bị cho lễ hội Giằng Bông diễn ra vào ngày 11-3 (mùng 6 tháng Hai năm Kỷ Hợi) cũng đang được khẩn trương triển khai, nhằm bảo đảm không xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự như những năm trước.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh cho biết, địa phương đã tăng cường lực lượng an ninh trật tự trong thời gian lễ hội diễn ra, đồng thời tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động để người dân tham gia lễ hội hiểu rõ ý nghĩa cũng như phối hợp gìn giữ bản sắc, không để lễ hội bị biến tướng. Những người có trang phục không phù hợp sẽ không được tham gia tục Giằng Bông. Chính quyền địa phương cũng đang cân nhắc phương án thay đổi khung giờ tổ chức tục Giằng Bông để lễ hội diễn ra an toàn, thuận lợi hơn.
Mùa lễ hội năm Kỷ Hợi 2019 đã đi qua 1/3 chặng đường, vẫn còn rất nhiều phần việc ở phía trước phải làm để bảo đảm tốt an ninh trật tự, ý nghĩa của từng lễ hội. Các nhà quản lý cũng như cộng đồng dân cư cũng khó có thể lường được hết những diễn biến bất ngờ, bởi lễ hội là nơi giao lưu, cộng cảm của rất nhiều người dân và du khách.
Để lễ hội được quản lý ngày một hiệu quả hơn, ngoài các giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát, chủ động trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội, rất cần có sự hưởng ứng, hỗ trợ, hợp tác từ phía người dân và du khách, góp phần phát huy truyền thống văn hóa, nếp sống văn minh trong không gian lễ hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.