Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì một mùa lễ hội văn minh, giàu truyền thống

Nguyễn Thanh| 27/01/2023 06:11

(HNM) - Hôm nay, 27-1 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão), một loạt di tích trọng điểm trên địa bàn Hà Nội tưng bừng khai hội, mở ra một mùa du xuân trẩy hội đầy náo nức sau thời gian dài bị “ngắt quãng” vì dịch bệnh. Công tác tổ chức và quản lý lễ hội được đặc biệt chú trọng với kế hoạch bài bản đi kèm các phương án dự phòng hiệu quả, hướng tới một mùa lễ hội văn minh, giàu truyền thống.

Du khách trẩy hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), ngày 26-1. Ảnh: Minh An

Chủ động “đi trước” mùa lễ hội

Lễ hội Gióng ở đền Sóc (huyện Sóc Sơn) chính thức khai hội ngày mùng 6 tháng Giêng, tuy nhiên, từ mùng 1 Tết Nguyên đán, khu di tích đã tấp nập khách thập phương về tham quan, vãng cảnh. Tại đây, từ đêm 30 Tết đã tiến hành nghi thức phát lộc hoa tre cho người dân có nhu cầu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, sau 2 năm dừng mở hội, dự báo năm nay lễ hội Gióng ở đền Sóc tăng “đột biến” lượng khách tham gia. Cũng vì vậy, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với tình huống trên việc lên kế hoạch chi tiết khi lượng khách tăng cũng nhằm bảo đảm lễ hội diễn ra đúng quy định, phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc. Đồng thời, cũng bảo đảm an toàn cho khách tham dự, từ đó góp phần vào thành công chung của lễ hội.

“Các nghi lễ vẫn diễn ra như mọi năm, đi kèm với số lộc hoa tre được chuẩn bị nhiều hơn, tránh tình trạng thiếu hụt, xảy ra tranh cướp phản cảm. Phần hội sẽ có thêm nhiều nét mới, giảm tải áp lực cho khu vực trung tâm. Bên cạnh các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật dân tộc…, lần đầu tiên có trình diễn nghi thức kéo mỏ, thi cầu húc. Hoạt động thi đấu vật cũng thay đổi phương thức tổ chức, để tạo nên một sân chơi mở, hấp dẫn cho mọi người, giúp không khí lễ hội thêm vui tươi, hào hứng”, ông Hồ Việt Hùng nói.

Khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương, Mỹ Đức) hôm nay (mùng 6 tháng Giêng), cũng chính thức bước vào mùa lễ hội dài nhất trong năm, hứa hẹn thu hút hàng triệu lượt người về hành hương.

Theo thông tin từ Ban Tổ chức lễ hội, trong 2 ngày đầu năm mới (mùng 1 và mùng 2 Tết Nguyên đán), khu di tích đón 2,6 vạn lượt khách và con số này tiếp tục tăng nhẹ vào những ngày tiếp theo. Điều này đã được địa phương dự báo trong kế hoạch tổ chức và quản lý lễ hội trước đó, với các giải pháp linh hoạt theo tình hình thực tế.

Nhờ vậy, công tác quản lý và tổ chức lễ hội chùa Hương đến nay diễn ra khá thuận lợi. Ban Tổ chức chưa phát hiện, chưa nhận được thông tin phản ánh về những hiện tượng tiêu cực xảy ra trong khu di tích.

Trưởng ban quản lý Khu di tích và Danh thắng Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển cho biết, từ trước ngày 11-1, phần việc chuẩn bị cho lễ hội đã được hoàn tất. Đường dẫn vào di tích đã thông thoáng, thuận tiện hơn nhờ bỏ hai cổng bán vé Tiên Mai và Đục Khê. Hơn 5 nghìn thuyền đò vận chuyển khách được kiểm tra kỹ về mức độ an toàn. Hàng quán được quy hoạch, phân khu rõ ràng. Dịch vụ xe điện tiếp tục bổ sung phương tiện, đáp ứng nhu cầu sử dụng tăng cao của du khách… Đặc biệt, lực lượng ứng trực an ninh trật tự năm nay được tăng cường, để kịp thời ngăn chặn những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu và những tình huống phát sinh khác.

Công tác chuẩn bị cho Lễ hội Gióng ở đền Sóc (huyện Sóc Sơn) được thực hiện từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Ảnh: Ngân Phương

Ứng xử văn minh mùa lễ hội

Với hơn 1.000 lễ hội, tập trung chủ yếu vào mùa xuân, Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều lễ hội nhất nước. Mùa lễ hội năm nay được dự báo lượng khách tham gia sẽ tăng cao vì sau thời gian dài tạm hoãn do dịch Covid-19, khiến nhu cầu du xuân, trẩy hội của người dân bị “nén lại” nay bung ra.

Lường trước tình huống này, Ban Tổ chức lễ hội xuân đều chủ động “đi trước” mùa lễ hội, xây dựng và triển khai kế hoạch từ rất sớm, trong đó tập trung giải pháp xử lý ùn tắc giao thông, phòng, chống dịch bệnh, cháy nổ, ô nhiễm môi trường…

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tham mưu cho UBND thành phố tổ chức gặp mặt đại diện chính quyền những địa phương có lễ hội lớn để bàn giải pháp tổ chức và quản lý lễ hội hiệu quả, có phương án cho những vấn đề nảy sinh mới; thành lập đội kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra, giám sát trước, trong và sau lễ hội…

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, từ ngày 26-1 đến 3-6, Sở Văn hóa và Thể thao tiến hành kiểm tra, giám sát quản lý, tổ chức lễ hội nhằm bảo đảm nếp sống văn minh, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng lành mạnh của người dân.

“Văn minh lễ hội đến từ hai phía: Ban Tổ chức, quản lý lễ hội và du khách đến với lễ hội. Bên cạnh nỗ lực của chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan, còn là ý thức, trách nhiệm của mỗi người khi tham gia lễ hội, từ việc không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan, lạm dụng vàng mã đến không sử dụng trang phục thiếu lịch sự, xả rác bừa bãi, rải rắc tiền lẻ… từ đó góp phần củng cố nếp sống văn minh, giữ gìn, lan tỏa truyền thống, bản sắc văn hóa của lễ hội”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nói.

Một mùa lễ hội đã bắt đầu. Mong rằng công tác quản lý lễ hội ở các địa phương được thực thi nghiêm túc, mỗi người dân tham gia lễ hội đề cao ý thức, trách nhiệm vì cái chung, vì cộng đồng. Được như vậy, lễ hội sẽ thực sự là điểm đến văn hóa tâm linh hấp dẫn cho du khách dịp đầu xuân Quý Mão 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì một mùa lễ hội văn minh, giàu truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.