Ngày 30-10 (rạng sáng 31-10 theo giờ Việt Nam), Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thông báo tiếp tục hạ 0,25% lãi suất cơ bản. Đây là lần thứ ba trong vòng 1 năm qua Fed hạ lãi suất của đồng USD.
Phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc bỏ phiếu của các thành viên Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, Chủ tịch Fed Jerome Powell ngân hàng này quyết định cắt giảm lãi suất thêm 0,25% nữa, từ biên độ 1,75-2% hiện nay xuống biên độ 1,5-1,75%.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed vẫn đưa ra một đánh giá khá lạc quan về nền kinh tế Mỹ, trong đó nêu bật đà tăng trưởng việc làm và chi tiêu hộ gia đình tiếp tục tăng với tốc độ mạnh mẽ. Tuy nhiên, Fed cũng thừa nhận đầu tư kinh doanh và khu vực xuất khẩu "vẫn yếu".
Tuy nhiên, Chủ tịch Jerome Powell cho rằng đây chỉ là "sự điều chỉnh giữa chu kỳ", đồng thời nhấn mạnh Fed có thể sẽ không cắt giảm lãi suất thêm lần nào nữa.
Đây là lần thứ ba Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ hạ lãi suất đồng USD kể từ khi bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2008. Trong hai lần Fed giảm lãi suất gần đây nhất vào ngày 31-7 và 18-9, lần lượt giảm lãi suất 0,25%.
Trong vòng hơn 1 thập kỷ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2007-2008, Fed luôn giữ lãi suất đồng USD ở "mức tượng trưng" 0,25% để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ vượt qua khó khăn.
Việc Fed hạ lãi suất, 6 tuần trước kỳ họp cuối cùng trong năm vào tháng 12, diễn ra sau khi các số liệu được Chính phủ Mỹ công bố ngày 30-10 cho thấy tăng trưởng kinh tế nước này trong quý III/2019 đã giảm nhẹ xuống còn 1,9%, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đã tác động mạnh đến lĩnh vực kinh doanh.
Con số trên cao hơn so với dự báo của các nhà kinh tế, song lại thấp hơn mức tăng trưởng của quý trước là 2%. Tiêu dùng tốt, sự phục hồi của thị trường nhà ở là các yếu tố giúp bù đắp suy giảm đầu tư kinh doanh, khiến tăng trưởng kinh tế chỉ giảm ở mức 0,1%.
Trước đó, căng thẳng thương mại với Trung Quốc đã làm suy yếu lòng tin của doanh nghiệp, khiến đầu tư kinh doanh tại Mỹ giảm hai quý liên tiếp. Chỉ riêng trong quý III, đầu tư doanh nghiệp đã giảm ở mức 3%, mức giảm sâu nhất trong hơn 3 năm rưỡi. Trong khi đó, tác dụng yếu dần của gói cắt giảm thuế trị giá 1.500 tỷ USD vào năm ngoái cũng đang gây trở ngại cho đà tăng trưởng dài nhất trong lịch sử, hiện đã là năm thứ 11, của kinh tế Mỹ.
Mối lo về suy thoái kinh tế đã giảm đi trong những tháng gần đây khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hoãn việc áp thuế bổ sung vào tháng 10 đối với Trung Quốc.
Tăng trưởng của tiêu dùng, vốn chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế Mỹ, đã giảm xuống mức ổn định là 2,9% sau khi tăng mạnh ở mức 4,6% trong II/2019, mức tăng nhanh nhất kể từ quý IV/2017. Con số khả quan này được hỗ trợ bởi tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong gần 50 năm. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế bắt đầu hoài nghi về sức tiêu dùng sau khi doanh số bán lẻ trong tháng 9 lần đầu giảm trong 7 tháng.
Lòng tin của người tiêu dùng bắt đầu đi xuống trong khi xu hướng tăng lương đang bị đình trệ. Thu nhập hộ gia đình tăng ở mức 4,5% trong quý III, thấp hơn so với mức 4,8% trong quý trước. Trong khi đó, lĩnh vực tư nhân ghi nhận việc tăng thêm 125.000 việc làm mới trong tháng 10, cao hơn so với con số 93.000 việc làm mới trong tháng 9.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.