Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đối thoại An ninh khu vực về Afghanistan tại Ấn Độ: Tìm "lối thoát" cho cuộc khủng hoảng

Minh Hiếu| 12/11/2021 07:05

(HNM) - Tiếp nối các nỗ lực quốc tế nhằm tìm "lối thoát" cho cuộc khủng hoảng tại Afghanistan, hôm 10-11, Ấn Độ đã đón các quan chức an ninh cấp cao từ các nước trong khu vực dự cuộc đối thoại xoay quanh những vấn đề đang đặt ra với quốc gia Tây Nam Á này. Một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp cho biết, các đại biểu tham gia đã thảo luận về các mối đe dọa phát sinh từ khủng bố, cực đoan hóa và buôn bán ma túy, cũng như nhấn mạnh nhu cầu về hỗ trợ nhân đạo.

Các đại biểu tham dự Đối thoại An ninh khu vực về Afghanistan tại New Delhi (Ấn Độ), ngày 10-11.

Đối thoại An ninh khu vực về Afghanistan diễn ra tại New Delhi với sự tham dự của đại diện các nước: Iran, Nga, 5 nước Trung Á (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan) cùng đại diện nước chủ nhà Ấn Độ. Theo Hãng tin DW, trong vài tháng qua, Afghanistan đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng. Khoảng 8,7 triệu người dân ở nước này “chỉ còn cách nạn đói một bước” - Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đưa ra số liệu vào tháng 10. Các nhà quan sát cảnh báo, bất ổn kinh tế và những nỗi thống khổ của người dân có nguy cơ biến thành một thảm họa nhân đạo và có thể gây ra một cuộc khủng hoảng di cư lớn.

Chia sẻ với DW, Giáo sư Gulshan Sachdeva tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi cho rằng: “Thông qua cuộc gặp, Ấn Độ đang cố gắng khẳng định tầm quan trọng của mình cũng như phối hợp chính sách về Afghanistan với các nước quan trọng trong khu vực”. Ấn Độ từng là nhà cung cấp viện trợ phát triển lớn nhất trong khu vực cho Afghanistan. New Delhi đã không có sự hiện diện ngoại giao ở Kabul kể từ khi sơ tán nhân viên trước khi Mỹ hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan, mặc dù Ấn Độ đã có cuộc gặp chính thức đầu tiên với đại diện của Taliban tại Qatar ngày 31-8. Trong những tháng gần đây, Ấn Độ đã cố gắng bảo vệ các lợi ích chiến lược của mình ở Afghanistan, tham gia vào đối thoại về Afghanistan ở nhiều cấp độ trong khu vực và đa phương.

Trang IndiaTVNews dẫn lời Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval cho biết, nước này đang quan tâm theo dõi những diễn biến ở Afghanistan và kêu gọi tham vấn chặt chẽ, hợp tác và tương tác nhiều hơn giữa các nước trong khu vực. Phát biểu tại Đối thoại An ninh khu vực, ông tin tưởng: "Các cuộc thảo luận sẽ hiệu quả, hữu ích, góp phần giúp đỡ người dân Afghanistan và tăng cường an ninh tập thể". Còn theo tờ Hindustan Times, các cố vấn an ninh và thư ký hội đồng an ninh của Iran, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan cũng đã kêu gọi thúc đẩy nỗ lực tập thể để đối phó với các mối đe dọa như khủng bố và buôn bán ma túy từ Afghanistan cũng như cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân nước này trước khi mùa đông bắt đầu.

Cũng trong ngày 10-11, các quan chức an ninh hàng đầu tham gia đối thoại đã có cuộc gặp Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi. Tại cuộc gặp, nhà lãnh đạo Ấn Độ một lần nữa nhấn mạnh 4 khía cạnh mà các nước trong khu vực cần tập trung: Sự cần thiết của việc thành lập một chính phủ toàn diện; lập trường không khoan nhượng về việc lãnh thổ Afghanistan đang bị lợi dụng bởi các nhóm khủng bố; một chiến lược chống buôn bán ma túy và vũ khí từ Afghanistan; giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng ở quốc gia Tây Nam Á.

Theo tờ The Hindu, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev đã ca ngợi vai trò của các cơ chế đối thoại khu vực khác nhau được hình thành để ứng phó với tình hình ở Afghanistan, trong đó có Đối thoại An ninh khu vực về Afghanistan tại Ấn Độ. Ông cho rằng, điều quan trọng là các diễn đàn này không nên trùng lặp công việc mà phải bổ sung cho nhau. Nhà cựu ngoại giao Ấn Độ Deepa Gopalan Wadhwa cũng nhận định, cuộc đối thoại là một sáng kiến kịp thời nhằm tìm kiếm phản ứng phối hợp để các nhà cung cấp hỗ trợ nhân đạo có thể tiếp cận một cách thuận lợi hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối thoại An ninh khu vực về Afghanistan tại Ấn Độ: Tìm "lối thoát" cho cuộc khủng hoảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.