(HNM) - Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề tìm kiếm giải pháp đổi mới tư duy tiểu thuyết được Hội Nhà văn Việt Nam
Nhà thơ Hữu Thỉnh. |
Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: Những năm qua, trong hệ thống giải thưởng hằng năm, rất ít tiểu thuyết được tặng thưởng, mới nhất là vào năm 2017 chúng tôi buộc phải bỏ trống giải thưởng sau 2 lần đọc tăng cường 3 cuốn tiểu thuyết. Vì vậy, việc vắng bóng tác phẩm chất lượng là mối lo có thực.
Trước đây, tại một cuộc hội thảo về đổi mới tư duy tiểu thuyết, nhà văn Ma Văn Kháng đã nói về "tình trạng không tải" (thiếu tính tư tưởng) của tiểu thuyết. Bàn về vấn đề này, nhà văn Lê Thành Nghị nhấn mạnh: "Người đọc tiểu thuyết không chỉ theo dõi một câu chuyện qua sự dẫn dắt bằng ngôn từ nghệ thuật điêu luyện, mà còn muốn qua câu chuyện đó rút ra bài học nhân sinh, có thể là từ ý nghĩa triết lý, là vấn đề đạo đức thiết thân với mỗi con người, là bài học về nhân cách".
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng chia sẻ nhận định này khi cho rằng, vì thiếu tính tư tưởng nên văn học nói chung, tiểu thuyết nói riêng chỉ còn là phiên bản của những "bóng" và "hình" của những câu chuyện khi thì quá rắc rối, lúc thì quá giản đơn, nông cạn. Thậm chí là bóng và hình của một cái "tôi" nhỏ bé và tội nghiệp khi tách rời khỏi cộng đồng.
Giải quyết mối lo nói trên, theo nhà thơ Hữu Thỉnh, các nhà sáng tác nên tập trung vào ba yêu cầu đổi mới, bao gồm về tư tưởng, nội dung và ngôn ngữ nghệ thuật. Ông nhấn mạnh: "Cả ba yếu tố này đều cần đổi mới, nhưng quan trọng nhất phải là tính tư tưởng. Có tác phẩm viết về một bác sĩ trưởng khoa, nhưng tư tưởng câu chuyện không dừng ở một bệnh viện, mà nhìn rộng hơn là vấn đề sử dụng cán bộ. Khi ấy, tính tư tưởng của tác phẩm được nâng lên, đề cập đến vấn đề xã hội nói chung".
Nhận diện xu thế "thế kỷ XXI là thế kỷ của tiểu thuyết tư liệu", nhà phê bình Bùi Việt Thắng đề xuất các nhà văn nên nghiên cứu nguyên tắc, kỹ thuật viết tiểu thuyết tư liệu - lịch sử, góp phần nâng cao vai trò, hiệu quả nghệ thuật và hình thành những tiểu thuyết hay, có sức hấp dẫn. Chia sẻ kinh nghiệm của mình khi hoàn thiện cuốn tiểu thuyết tư liệu "Biên bản chiến tranh 1.2.3.4", nhà văn Trần Mai Hạnh nêu yêu cầu tôn trọng sự thật lịch sử, bảo đảm các yêu cầu cơ bản về sự kiện, tình tiết, sự thật về con người, về bối cảnh đa chiều của cuộc sống...
Để khắc phục "tình trạng không tải", các tiểu thuyết gia một mặt cần nghiên cứu yếu tố thị trường để có tác phẩm gần gũi với đời sống, nhưng, mặt khác, phải khẳng định thị trường không phải thước đo chất lượng tiểu thuyết. Giai đoạn nào cũng vậy, chính cuộc sống đất nước, con người mới làm nên hồn cốt của tiểu thuyết.
Yêu cầu đổi mới để có những tiểu thuyết hay cũng đòi hỏi Hội Nhà văn Việt Nam phải khắc phục tình trạng hội đồng chấm giải cồng kềnh, nhiều thứ bậc nhưng tầm bao quát chưa đúng, chưa đủ. Chúng ta cần mở rộng kênh bạn đọc, trưng cầu ý kiến của bạn đọc để nghe được tiếng nói phản hồi về giá trị thực của tác phẩm.
Dự kiến, đầu tháng 4-2018, một trại sáng tác dành cho tiểu thuyết sẽ được tổ chức. Người trong cuộc kỳ vọng đây là chất xúc tác cần thiết để thúc đẩy lực sáng tác cho cuộc thi tiểu thuyết 2017-2020 của Hội Nhà văn Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.