Sách

Phảng phất một Hà Nội hào hoa trong tiểu thuyết thế sự “Chuyện phố”

Vân Hạ 25/03/2024 - 20:30

“Chuyện phố” phảng phất “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo” trong những ngôi nhà phố cổ được miêu tả, trong những nét tính cách nhân vật gốc Tràng An được điểm xuyết…

Ngày 25-3, tại Hà Nội, tọa đàm “Chuyện phố - Một tự sự về đô thị đương đại” đã được Bộ môn Lý luận văn học, khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp NXB Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

chuyen-pho-2-.jpg
PGS. TS Phạm Quang Long, tác giả cuốn sách, chia sẻ tại tọa đàm.

Xoay quanh chuyện gia đình ông Mưu, “Chuyện phố” tái hiện cảnh quan sinh động về cuộc sống của một gia đình “gốc” Hà Nội ở nơi tản cư; đặc biệt là sau khi ông “dinh tê” về thành, “gà trống nuôi con” xoay xở qua hai cuộc chiến.

Thái độ sống của ông Mưu - một nhà buôn chân chính, âm thầm biết trước, biết sau mà lánh được những bão táp thời cuộc, rồi cả những mâu thuẫn, xung đột xuất phát từ những mưu toan giữa các con của ông khiến cho tảng văn hóa truyền thống gia đình ngày một rạn nứt... Chính những điều đó đã tạo ra những nút thắt tự sự, đồng thời khiến điểm nhìn về “Phố”, về “Hà Nội” trong tác phẩm của Phạm Quang Long trở nên mới lạ.

chuyen-pho-1-.jpg
Cuốn "Chuyện phố".

Theo PGS.TS Phạm Thành Hưng, “Chuyện phố” là một mạng lưới được đan kết bằng hàng trăm nút thắt của những câu chuyện nhỏ, những tiểu mô típ lý thú, giàu kịch tính. Các nhân vật tuy không được chú ý khắc họa về ngoại hình, nhưng được chú trọng rất nhiều về phương diện tính cách, đặc biệt là lối sống.

Mỗi nhân vật trong tiểu thuyết có số phận riêng và có những trăn trở của riêng mình. “Chuyện phố” hiện ra một bức tranh ghép của những mảnh vụn phố xá Hà Nội. Mà ở đó, tác giả Phạm Quang Long, bằng lối hành văn đối thoại, đã đặt nhân vật trong tâm trạng bức bối, ít hành động, phần lớn là “làm ít, nói nhiều” để từ đó các vấn đề được đặt ra bàn thảo đều chuyển hóa thành các “câu chuyện”. Nhiều câu chuyện không diễn ra tuần tự theo cấu trúc thời gian mà được rút gọn, tổng hợp thành một vấn đề mang ý nghĩa cấp thiết khiến người đọc phải suy ngẫm.

Là một tiểu thuyết thế sự, nhưng “Chuyện phố” phảng phất “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo” trong những ngôi nhà phố cổ được miêu tả, trong những nét tính cách nhân vật gốc Tràng An được điểm xuyết.

Dày 450 trang, “Chuyện phố” được nhiều nhà phê bình đánh giá là “tác phẩm đáng đọc” với thế giới nhân vật phong phú và độc đáo, với góc nhìn nhân văn sâu sắc. Cái kết có hậu của cuốn sách có thể chưa làm thỏa mãn độc giả và mong chờ tác giả Phạm Quang Long sẽ tiếp tục ở một “Chuyện phố 2” trong tương lai.

PGS. TS Phạm Quang Long nguyên là Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội. Bắt đầu viết tiểu thuyết từ năm 2016, sau khi đã nghỉ hưu, tới nay nhà văn Phạm Quang Long đã xuất bản các tiểu thuyết “Lạc giữa cõi người”, “Bạn bè một thuở”, “Cuộc cờ”, “Chuyện làng”, “Mùa rươi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phảng phất một Hà Nội hào hoa trong tiểu thuyết thế sự “Chuyện phố”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.