Sách

Cuốn tiểu thuyết tuyệt đẹp của suy tưởng ký ức

Phan Xâm 28/01/2024 - 20:53

Cuốn tiểu thuyết “Đường hẹp lên miền Bắc thẳm” của nhà văn Richard Flanagan là bức tranh đa chiều và chi tiết về quá trình xây dựng con đường sắt tử thần từ Xiêm Thái Lan sang Miến (Myanmar) - công trình ước tính đã giết chết đến 12.000 tù binh và 90.000 lao động cu ly châu Á.

sach-2.jpg

Không chỉ là cách tôn vinh những ký ức về chính người cha của tác giả từng tham gia xây dựng tuyến đường sắt, cuốn tiểu thuyết “Đường hẹp lên miền Bắc thẳm” còn thể hiện suy tưởng sâu sắc, lớp lang về mối quan hệ giữa lịch sử và ký ức thông qua hình tượng nhân vật chính bác sĩ Dorrigo. Nhân vật này được xây dựng dựa trên hình mẫu bác sĩ, Trung tá Edward 'Weary' Dunlop, người anh hùng thời chiến của nước Úc với lòng dũng cảm và lòng trắc ẩn tượng trưng cho tinh thần phi thường của những người làm việc và hy sinh trên tuyến đường sắt.

Chiến tranh qua đi, sự thật ta nhìn thấy là những con số thể hiện người chết; những khốc liệt, những hậu quả để lại với người sống. Nhưng chiến tranh không chỉ có thế, giữa những cuộc chiến là con người, là tình yêu, là tội ác, là đau đớn, là tính thiện, là hư vô. Đến cuối cùng, chiến tranh là ký ức, là lịch sử, là mối quan hệ giữa lịch sử và ký ức, là cách người ta đối diện với cuộc chiến đã qua. “Đường hẹp lên miền Bắc thẳm” là tiếng nói của rất nhiều người, những tù binh Úc, những cai tù, sĩ quan quân đội Nhật, những người trên chiến tuyến, những người sau chiến tuyến. Mỗi người nhìn thấy những điều khác nhau về chiến tranh, mỗi người có một ký ức về chiến tranh, mỗi người chọn nhớ về cuộc chiến đã qua theo những cách khác nhau.

Đọc “Đường hẹp lên miền Bắc thẳm” là đi sâu vào tuyến đường sắt đang hình thành. Ở thế giới đó ta thấy, cuộc chiến tranh đế quốc - đồng minh thu nhỏ lại là cuộc đấu tranh "nên ăn miếng cháo loãng bây giờ hay sau vài tiếng nữa thì sẽ đỡ đói hơn"; là cuộc mặc cả qua lại giữa nhân vật chính bác sĩ Dorrigo và viên sĩ quan người Nhật Nakamura - từ 500 người xuống 429 người phải làm việc để hoàn thành đoạn đường sắt; là nỗi thù hằn không nói ra của MacNeice Gà Trống khi nghi ngờ Gardiner Đen ăn trộm quả trứng - để cuối cùng phát hiện ra quả trứng bị lẫn vào cái áo sơ mi trong ba lô khi Đen đã chết... Và giữa cuộc chết chóc tàn khốc, giữa đói khát, giữa tội ác; tất cả họ đều nghĩ về sự sống, đều nghĩ làm sao để vượt qua một ngày trước mắt, nghĩ về miếng cá thu rắn chiên sẽ ăn khi được tự do, đều nghĩ về ngày trở về làng quê mình.

Bên cạnh những sự thật khốc liệt trong chiến tranh, “Đường hẹp lên miền Bắc thẳm” còn là một bản tình ca về tình yêu, tình bạn, tình người được viết bằng thứ văn thật đẹp, dịu dàng lẫn ráo riết, bất lực lẫn thiết tha. Xuyên suốt tác phẩm, giữa cuộc chiến, sau cuộc chiến; trong nghĩ suy của tù binh, của cai tù, của cựu binh; của kẻ yêu mê đắm, của kẻ ngoại tình; có một điều luôn hiển hiện, đó là tính người, tính thiện. Tính người, tính thiện ấy có trong bất kỳ ai, bởi thế, trong tiếng nói của bất cứ nhân vật nào của Richard Flanagan trong tác phẩm này, đều là suy tưởng mà không phán xét.

Và xuyên suốt tác phẩm, dù chết chóc đau đớn tràn lấp; mở đầu và kết thúc là ánh nắng dịu dàng và bông hoa trà đỏ rực rỡ. Mở đầu bằng tình yêu, kết thúc bằng tình yêu; dẫu cuộc đời là “một hư vô được khoanh giữ, một bí ẩn không điểm kết”.

“Đường hẹp lên miền Bắc thẳm” đã được nhận giải thưởng Man Booker năm 2014, do Nhã Nam và NXB Văn học liên kết xuất bản tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuốn tiểu thuyết tuyệt đẹp của suy tưởng ký ức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.