Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đòi hỏi quyết tâm cao

Gia Khánh| 13/04/2023 06:54

(HNM) - Trong Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10-4-2023 về thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, các địa phương tích cực, chủ động, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý, thủ tục hành chính, vốn, điều kiện kinh doanh, thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng; đồng thời kiểm tra, chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập, tiêu cực để sớm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu, duy trì, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.

Công điện được ban hành sau khi quý I-2023, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng thấp, chỉ 3,32%. Trong đó, công nghiệp - xây dựng giảm 0,4%, giá trị tăng thêm các ngành công nghiệp giảm 0,82% so với cùng kỳ năm 2022, do chi phí đầu vào tăng cao, số đơn hàng giảm, nhiều thị trường xuất khẩu lớn thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát. Xu hướng biến động phức tạp, khó lường cũng như khó khăn, thách thức đối với sản xuất, kinh doanh, đầu tư và xuất nhập khẩu dự báo còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Trong báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 11-4, mức độ lạc quan của doanh nghiệp vẫn thấp, cảm nhận về cải cách trên nhiều lĩnh vực có phần chững lại. Cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, nhân lực, hạ tầng, chất lượng thực thi của bộ máy chính quyền cấp cơ sở. Đáng lo ngại là tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” tăng từ mức 57,4% trong năm 2021 lên đến 71,7% trong năm 2022.

Như vậy, vấn đề cần giải quyết không chỉ là những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải mà còn cả việc thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thể chế, bộ máy hành chính theo hướng phục vụ hiệu quả hơn nữa. Bởi thực tế, trong mọi hoàn cảnh, cải cách thể chế luôn là động lực quan trọng cho tăng trưởng và dư địa cải cách còn lớn, yêu cầu cải cách ngày càng cao và khó hơn.

Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành trực tiếp làm việc với từng địa phương để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi… Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, đặc biệt là những lĩnh vực đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế - xã hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung các nhóm vấn đề cần xử lý, giải quyết tháo gỡ ở địa phương…

Các nhóm vấn đề gồm thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng, quy hoạch, phòng cháy, nghiệm thu, thanh toán; nhóm chính sách về tín dụng (lãi suất, hạn mức, tỷ giá..), thuế, phí, lệ phí, thị trường (vật liệu, tiêu thụ trong nước, xuất khẩu…), vấn đề về lao động... Đây đều là những câu chuyện “sát sườn” với doanh nghiệp, người dân, tác động đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đóng góp cho tăng trưởng nếu sớm được tháo gỡ, mang lại cơ hội, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Thực tế, đã có vấn đề được chỉ ra, có giải pháp nhưng chưa hiệu quả, vì thế lần này cần phải đề xuất giải pháp đột phá hơn.

Một vấn đề nữa cũng cần lưu tâm là bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đây là nội dung song hành, bảo đảm tăng trưởng thực chất và hiệu quả. Cuối cùng, các cấp, ngành phải vào cuộc với tinh thần khẩn trương, cầu thị, quyết tâm cao nhất, nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng của năm 2023 và giai đoạn 2021-2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đòi hỏi quyết tâm cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.