Theo dõi Báo Hànộimới trên

Định hướng cho tương lai

Thanh Thủy| 28/02/2023 06:18

(HNM) - Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” tổ chức ngày 27-2, nhiều ý kiến tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý đã khẳng định, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời là văn kiện lịch sử, định hướng lâu dài, vì tương lai phát triển của văn hóa Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản:
Làm cho nền văn hóa mới nảy nở, phát triển

Ra đời trong bối cảnh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nước ta chuyển biến nhanh chóng, Đề cương về văn hóa Việt Nam không chỉ mang ý nghĩa kiến tạo xây dựng nền văn hóa cách mạng, mà còn hiện thân cho tinh thần đấu tranh chống lại chính sách văn hóa thực dân, phát xít, chống lại các tư tưởng phản động hoặc những luận thuyết, trào lưu văn nghệ không có lợi cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc lúc bấy giờ.

Đề cương sau khi nêu nguyên tắc “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa” đều giải nghĩa nội dung đấu tranh với mọi biểu hiện phản dân tộc, phản đại chúng và phản khoa học; qua đó mở đường cho cách mạng văn hóa, làm cho nền văn hóa mới nảy nở và phát triển.

Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương:
Tầm nhìn, bản lĩnh và sự nhiệt huyết

Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời vào năm 1943 là sự thể hiện đầy sức thuyết phục về tầm nhìn, bản lĩnh và sự nhiệt huyết của những người cộng sản Việt Nam. Không chỉ có giá trị gắn với yêu cầu của thời kỳ 1943-1945, Đề cương còn dự báo sáng suốt về tương lai của văn hóa Việt Nam.

Đề cương đã nêu lên hai “ức thuyết”: Một là “nền văn hóa phát xít thắng, thì văn hóa Việt Nam nghèo nàn, thấp kém”; hai là “văn hóa Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới”.

Từ hai “ức thuyết” này, Đề cương dự báo: “Căn cứ vào điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội hiện nay, cách mạng dân tộc Việt Nam nhất quyết sẽ làm cho ức thuyết thứ hai trở nên sự thực”. Thực tế, ức thuyết trên đã trở thành hiện thực trong 80 năm qua.

Đặc biệt, đặt “ức thuyết” đó vào thời điểm chúng ta đang “tay trắng”, thì phải thấy rằng, đó là một dự báo tài tình, là kết quả của sự linh cảm, của niềm tin, đồng thời là kết quả của sự phân tích khoa học thực trạng và sự vận động của lịch sử.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội:
Đáp ứng đòi hỏi của lịch sử

Sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đáp ứng được đòi hỏi của lịch sử, của thực tiễn cách mạng do Đảng lãnh đạo. Đề cương chính là cái gốc của đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; là một văn kiện đã đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng ở Việt Nam; dựng nên ngọn cờ tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà hăng hái tham gia, phụng sự sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.

80 năm qua, Đảng ta đã có nhiều văn kiện chỉ đạo trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ phù hợp với từng thời kỳ lịch sử, nhưng Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, định hướng lâu dài cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam và mang tầm vóc cương lĩnh của Đảng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định Lê Quốc Chỉnh:
Phát huy tiềm năng, thế mạnh về văn hóa

Tự hào là quê hương của Tổng Bí thư Trường Chinh, tỉnh Nam Định xác định việc tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh là nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Những năm qua, tỉnh Nam Định đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể hóa đường lối văn hóa của Đảng và phát huy tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, con người, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đặc biệt, để góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 9-6-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định” và có 22 văn bản của UBND tỉnh để chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê:
Xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội

Những nguyên tắc mà Đề cương về văn hóa Việt Nam nêu ra (Dân tộc - Khoa học - Đại chúng) không chỉ là đường lối văn hóa trong bối cảnh bị chủ nghĩa thực dân, đế quốc, phát xít nô dịch, mà còn là tư tưởng vạch đường cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam sau đó, đi qua 2 cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do và thống nhất nước nhà, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là sau đổi mới, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh luôn quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Định hướng cho tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.