Các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta đang cho thấy những tiềm năng, lợi thế rất lớn. Khai thác tốt lĩnh vực này sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời góp phần quan trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc ta.
Nói về công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hóa để thu về những nguồn lợi kinh tế.
Với một lĩnh vực phát triển rất mới như vậy nhưng chặng đường 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (ban hành theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ) cho thấy, công tác phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật. Trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương 44 tỷ USD)...
Điểm đáng chú ý là các ngành công nghiệp văn hóa đang mang đến làn gió mới cho nền kinh tế. Nói cụ thể hơn, với đặc trưng sáng tạo và công nghệ trong thời đại mới, công nghiệp văn hóa tạo sự thay đổi cơ cấu ngành kinh tế. Đặc biệt, sự xuất hiện của các trung tâm công nghiệp văn hóa, các thành phố sáng tạo đã và đang làm thay đổi cơ cấu vùng kinh tế. Điển hình là thành phố Hà Nội, thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) là ba thành phố của Việt Nam đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).
Với riêng Thủ đô ngàn năm văn hiến, tận dụng vị trí đặc biệt của văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong tổng thể văn hóa dân tộc, thành phố đã thể hiện quyết tâm chính trị đi tiên phong phát triển công nghiệp văn hóa, nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa ngàn năm, vừa đưa lĩnh vực này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước có nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa (Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”) và đang đi vào cuộc sống với những kết quả thuyết phục, không chỉ góp phần tạo ra nhiều doanh thu, việc làm, mà còn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô trong thời đại mới.
Soi chiếu những kết quả đạt được trên bình diện thế giới về phát triển công nghiệp văn hóa, Việt Nam đang là quốc gia tầm trung và còn nhiều dư địa phát triển. Tuy nhiên, để có một nền công nghiệp văn hóa phát triển đúng nghĩa, tận dụng được mọi lợi thế, tiềm năng, chúng ta cần hóa giải những “điểm nghẽn”. Đó là hiện nay chưa có một văn bản pháp luật (luật, nghị định) quy định thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hóa; nguồn lực đầu tư mang tính dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm; nguồn nhân lực còn thiếu về số lượng và chất lượng; một bộ phận doanh nghiệp và người dân chưa thực sự quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan… Đáng nói là nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghiệp văn hóa chưa thực sự khai thác được hết những đặc trưng văn hóa bản địa để tạo sự độc đáo, riêng có.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể để tiềm năng, lợi thế của các ngành công nghiệp văn hóa bị “ngủ quên”, mà cần đánh thức bằng hệ thống giải pháp đồng bộ, sát thực tiễn và hiệu quả hơn nữa. Với quan điểm đó, tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam diễn ra vào ngày 22-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Các cấp, ngành, địa phương cần chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế, để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP.
Văn hóa Việt Nam là kết tinh thành quả hàng nghìn năm văn hiến, lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn hóa thế giới để không ngừng hoàn thiện mình và phát triển. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh, con người Việt Nam anh hùng, mến khách, yêu quý bạn bè, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Đó là những tiềm năng, thế mạnh chúng ta cần khai thác, trên cơ sở những tìm tòi, sáng tạo trong thời đại mới, để cùng hòa quyện và thúc đẩy tinh hoa văn hóa Việt Nam phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.