Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đi trước một bước

Minh Thúy| 14/03/2020 06:35

(HNM) - Đô thị văn minh phải gắn với hệ thống tên đường, phố và số nhà được sắp xếp ổn định, theo trật tự. Song, lâu nay, tình trạng "nhà không số, phố không tên" đã diễn ra tại nhiều đô thị lớn ở nước ta, trong đó có Hà Nội, bởi công tác này chưa theo kịp sự thay đổi của thực tiễn.

Tại Hà Nội, sự phát triển mạnh mẽ của đô thị, hạ tầng giao thông ngày càng mở mang, nên nhiều phố mới, nhà mới được hình thành. Trong khi các giao dịch, liên hệ trong cuộc sống đòi hỏi nhà ở, cửa hàng, cơ quan... phải có địa chỉ rõ ràng thì việc đặt tên đường, phố, số nhà lại mất nhiều thời gian bởi bắt buộc theo quy trình như: Phải có tên đường, phố mới được gắn số nhà; qua nhiều cấp xét duyệt... Do chờ lâu, nhiều người đã tự gắn số nhà, thậm chí còn tự đặt tên đường, phố. Và hậu quả là tên đường, phố, số nhà được gắn tùy tiện, lộn xộn, ảnh hưởng đến công tác quản lý hành chính, gây bất tiện cho cuộc sống của chính người dân.

Ở khía cạnh khác, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở tự đặt tên phố, số nhà dựa trên quy hoạch dự án đã được phê duyệt và dựa trên đặc điểm thực tế của đô thị. Tuy không gây ra sự lộn xộn, nhưng việc này lại không tuân thủ các quy định hiện hành.

Trước những bất cập này, nhiều quận, huyện trên địa bàn Thủ đô đã rà soát, quy hoạch và tổ chức đặt tên phố, số nhà... Công việc này đã và đang được tiến hành ở nhiều địa bàn, tuy chưa hoàn thiện song đã chứng minh rõ được tính hiệu quả khi tình trạng "loạn" tên phố, số nhà dần được điều chỉnh.

Để xây dựng đô thị văn minh, tạo tiện lợi cho cuộc sống người dân, việc đặt tên đường, phố, số nhà trên địa bàn thành phố cần được tiến hành khẩn trương để bảo đảm rằng, khu vực dân cư đã ổn định sẽ được quản lý chặt chẽ; khu vực đường, phố mới, sẽ được quản lý theo trật tự, đúng quy định.

Vẫn biết cái khó hiện nay là ngân hàng tên đường, phố của thành phố không đủ cho hàng trăm đường, phố đang chờ được đặt tên. Do đó, trong lúc chờ ý kiến của cơ quan chức năng về vấn đề này, các quận, huyện, thị xã, đặc biệt là cấp xã, phường cần tăng cường tuyên truyền để người dân tại những khu phố, khu dân cư mới hình thành không tùy tiện đặt tên... Đồng thời, kiên quyết lập lại trật tự trong lĩnh vực này ở những khu vực có nhiều vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng.

Việc rà soát các tuyến đường, phố để đặt tên cũng cần được chính quyền địa phương thực hiện định kỳ, từ đó chủ động lập danh mục đề xuất với cơ quan chức năng. Nếu làm được điều đó, sẽ rút ngắn thời gian thực hiện những thủ tục liên quan trình các cấp có thẩm quyền quyết định.

Hiện nay, ở một số khu đô thị, việc đặt tên phố, số nhà đã được thực hiện từ trước, người dân đã sử dụng ổn định. Với những trường hợp này, dù chưa phù hợp với quy định hiện hành, nhưng nếu bảo đảm tính khoa học, được đa số người dân đề nghị thì cơ quan chức năng có thể xem xét, cho phép sử dụng.

Trong thời đại số hóa, việc ổn định tên đường, phố, số nhà của mỗi hộ dân sẽ là điều kiện quan trọng để đồng bộ hóa dữ liệu trong quản lý đất đai, nhân, hộ khẩu... Hơn nữa, với tính chất đô thị mở, việc đặt tên phố, số nhà cũng cần có thay đổi thích ứng với sự vận động, phát triển của thực tiễn. Do đó, với những khu dân cư mới, việc đặt tên phố, số nhà cần được tính toán ngay từ khi dự án được lập để thời điểm dự án đi vào sử dụng, tên đường, phố, số nhà được đồng bộ ngay…

Để xây dựng đô thị văn minh, việc đặt tên đường, phố, gắn biển số nhà phải đi trước một bước, trên cơ sở bám sát quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng. Làm được điều đó là góp phần bảo đảm mỹ quan đô thị, phục vụ hiệu quả công tác quản lý hành chính, trật tự xã hội...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đi trước một bước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.