Văn hóa

Xây dựng đô thị văn minh: Khó mấy cũng làm

Hà Hiền 14/12/2023 - 17:58

Tiêu chí để phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh khá toàn diện, bao quát các mặt của đời sống, từ đô thị, giao thông, xây dựng, cho đến các hoạt động văn hóa, thể thao..., nên không dễ đạt. Tuy nhiên, đây là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng môi trường văn hóa, nếp ứng xử văn minh, thanh lịch, cho nên dù khó đến mấy, các cơ quan chức năng, các địa phương trên địa bàn Hà Nội cũng cố gắng thực hiện.

Nhiều tiêu chí khó đạt

Theo Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg, ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh, thì đô thị cần đáp ứng được 9 tiêu chí cơ bản. Đó là quy hoạch đô thị, giao thông đô thị; môi trường và an toàn thực phẩm; an ninh và trật tự; thông tin và truyền thông đô thị; việc làm, thu nhập và hộ nghèo; văn hóa, thể thao; y tế, giáo dục; hệ thống chính trị và trách nhiệm chính quyền của đô thị. Các tiêu chí này được UBND thành phố Hà Nội hướng dẫn chi tiết tại Kế hoạch số 271/KH-UBND, ngày 14-11-2023 về triển khai Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Mỗi tiêu chí chung lại có nhiều tiêu chí nhỏ, với những yêu cầu khá cao, không dễ thực hiện. Chẳng hạn, với tiêu chí về quy hoạch, giao thông, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo phản ánh, ước tính, Hà Nội hiện lên tới gần 8 triệu phương tiện giao thông đường bộ các loại, trong đó trên 1,07 triệu xe ô tô. Tốc độ tăng trưởng phương tiện bình quân giai đoạn 2019-2023 là hơn 10% đối với ô tô và hơn 3% đối với xe máy, trong khi diện tích đất dành cho giao thông chỉ tăng khoảng từ 0,26-0,3%/năm. Tốc độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện, dẫn đến tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố làm nơi đỗ xe xảy ra ở nhiều nơi, vừa làm hư hỏng kết cấu công trình, vừa gây mất trật tự và ùn tắc giao thông.

giao-thong.jpg
Tình trạng đỗ xe không đúng quy định tồn tại ở nhiều tuyến đường, phố trên địa bàn Hà Nội.

Từ thực tế triển khai, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin quận Ba Đình Lê Thị Khanh cho hay, sau khi rà soát, cơ quan chức năng quận Ba Đình nhận thấy, các tiêu chí về bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội là những tiêu chí khó thực hiện để đạt đô thị văn minh.

Tiêu chí về văn hóa, thể thao với 90% tổ dân phố thuộc phường có điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao hoạt động thường xuyên, hiệu quả cũng khó khả thi vì đa số các phường trên địa bàn quận Ba Đình hiện không còn quỹ đất để xây dựng. Đa số nhà sinh hoạt cộng đồng hiện hữu có diện tích nhỏ, xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của cư dân đô thị.

“Do nhiều nguyên nhân đan xen giữa chủ quan và khách quan, phường Điện Biên được chọn làm điểm từ năm 2022 đến nay chưa đủ điều kiện để được công nhận đạt chuẩn về kỷ cương, văn minh đô thị; còn phường Kim Mã và Quán Thánh làm điểm trong năm 2023 cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc bình xét công nhận”, bà Lê Thị Khanh nói.

Tương tự Ba Đình, các quận vùng “lõi’ như Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, một số phường thuộc quận Thanh Xuân, Cầu Giấy… hiện gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí về giao thông, trật tự đô thị, văn hóa, thể thao..

Nỗ lực thực hiện

Việc xây dựng mô hình đô thị văn minh được kỳ vọng góp phần thúc đẩy, phát huy tinh thần sáng tạo, đoàn kết của nhân dân trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, giữ gìn vệ sinh môi trường. Cùng với đó sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát huy dân chủ, xây hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh… Vì thế, dù không dễ đạt các tiêu chí của đô thị văn minh, song, các bên liên quan vẫn nỗ lực thực hiện từng mục tiêu.

ha-dong.jpg
Các cơ quan chức năng quận Hà Đông xử lý vi phạm lấn chiếm không gian xung quanh hồ Đầm Khê (phường Hà Cầu) vào tháng 8-2023.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, một đô thị phát triển phải vừa hòa đồng với các đô thị khác, vừa có bản sắc riêng. Với Hà Nội, bản sắc riêng dễ nhận thấy là phải “xanh”, không chỉ có màu xanh của nông nghiệp, lâm nghiệp mà phải xanh cả ở các khu bảo tồn, các khu nội đô cũ.

Theo định hướng này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội kiến nghị thành phố tiếp tục cải tạo, nạo vét, xử lý ô nhiễm các hồ nước, bảo đảm nước sinh hoạt, thu gom, xử lý rác thải rắn theo hướng tuần hoàn; triển khai các giải pháp giảm khí thải. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phối hợp phát triển, cải tạo, tái thiết các không gian công cộng, không gian xanh, vành đai xanh của đô thị trung tâm. Về phần mình, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục trồng mới hơn 100.000 cây xanh/năm, phấn đấu tỷ lệ xây xanh đô thị đạt khoảng 2m2/người…

Ở cơ sở, các địa phương cũng nỗ lực hiện thực hóa từng tiêu chí của đô thị văn minh. Từ kinh nghiệm thực hiện mô hình tuyến đường, phố đạt chuẩn văn minh đô thị, UBND quận Long Biên giao các phường trên địa bàn xây dựng chương trình, đề án, khoán quản phụ trách từng tuyến đường, phố; duy trì lực lượng trật tự đô thị trên các tuyến, đường phố, các điểm đen về giao thông, an ninh trật tự. Nhờ đó, nhiều vấn đề phức tạp phát sinh tại địa điểm công cộng được giải quyết kịp thời, giúp bộ mặt đô thị ngày càng khang trang. Đến thời điểm này, quận Long Biên có 62/90 tuyến đường, phố; 6/14 phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Hiện các cơ quan chức năng tiếp tục xem xét thẩm định 29 tuyến đường, phố và 2 phường Việt Hưng và Giang Biên đạt chuẩn đô thị văn minh, gồm nhiều tiêu chí tương đồng với tiêu chí văn minh đô thị.

Tại quận Ba Đình, việc triển khai 9 tiêu chí trên tất cả các lĩnh vực để đạt chuẩn văn minh đô thị đang được UBND các phường nghiêm túc thực hiện. Với những tiêu chí dễ làm, quận Ba Đình tập trung nguồn lực đầu tư, huy động sự tham gia, đóng góp, ủng hộ của người dân. Với những tiêu chí khó, thì cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cùng vào cuộc triển khai thông qua 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cơ bản, trọng tâm là tăng cường quản lý đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường…

Là cơ quan chủ trì xây dựng mô hình đô thị văn minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, việc thực hiện các tiêu chí đô thị văn minh cần lồng ghép với xây dựng văn minh đô thị cũng như phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Năm 2024, các ngành, địa phương cần tập trung cao điểm xây dựng đô thị văn minh; lựa chọn các phường, thị trấn tiêu biểu để làm điểm, sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng…

Từ nền tảng truyền thống và những giá trị tốt đẹp vốn có, hy vọng mô hình đô thị văn minh sẽ định hình rõ nét để không gian, cảnh quan đô thị tại Hà Nội ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp; văn hóa, xã hội ngày càng phát triển; chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng đô thị văn minh: Khó mấy cũng làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.