Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Qua đó, vai trò chủ thể của người dân được phát huy, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới của các huyện và duy trì nhiều mô hình giữ gìn văn minh đô thị tại các quận.
Nhiều cách làm hay
Thực hiện 5 nội dung của cuộc vận động là Tự quản về nếp sống văn hóa; an ninh trật tự, an toàn xã hội; vệ sinh môi trường; văn minh đô thị và tự quản về an toàn giao thông, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của quận Bắc Từ Liêm đã phát động và duy trì thành công 187 mô hình “Tổ dân phố văn minh - an toàn - tự quản” ở các khu dân cư trên địa bàn (đạt 100%). Mô hình này đã phát huy mạnh mẽ tính tự quản của người dân trong xây dựng đô thị văn minh.
Cụ thể, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Bắc Từ Liêm Văn Thúy Hoa cho biết, hệ thống Mặt trận đã tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đóng góp 4,59 tỷ đồng, hàng chục nghìn ngày công lao động để nâng cấp, cải tạo 1.158m đường ngõ, xây dựng 387 đoạn đường bích họa, chỉnh trang 3 nhà văn hóa tổ dân phố. Đặc biệt, các cấp còn vận động nhân dân ủng hộ 3,29 tỷ đồng để lắp đặt 1.486 camera an ninh; “mở lối thoát hiểm thứ 2” bảo đảm thực hiện công tác phòng, chống cháy, nổ...
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay 21/21 xã của huyện Mỹ Đức đã được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 3/21 xã được thẩm định đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thị trấn Đại Nghĩa đủ điều kiện đạt chuẩn đô thị văn minh. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng các mô hình, như: “Gia đình 5 không, 3 sạch”; trồng các tuyến đường nở hoa “xanh - sạch - đẹp” ở 125 thôn, tổ dân phố thuộc 22 xã, thị trấn; thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” gắn với xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc; mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ vốn vay cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn...
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Mỹ Đức Trịnh Xuân Hương cho biết: “Các mô hình trên đã góp phần cải tạo cảnh quan môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giúp địa phương tiến vững trên con đường xây dựng nông thôn mới”.
Bằng lòng nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao, cán bộ Mặt trận các cấp trên địa bàn thành phố cùng chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân, tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Nhờ đó, đến tháng 6-2023, toàn thành phố có 15/18 huyện, 100% xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 111 xã nông thôn mới nâng cao, 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu, đưa Hà Nội trở thành địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất cả nước.
Tiếp tục đồng hành
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết: “Hội nghị đại biểu nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được tiến hành vào dịp đầu năm là nét sáng tạo của Hà Nội trong triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tại hội nghị, nhiều nội dung quan trọng như xây dựng quy ước, tiêu chí đời sống văn hóa, xét danh hiệu văn hóa; ngăn ngừa tệ nạn xã hội; xây dựng tổ dân phố, khu dân cư tự quản; bàn biện pháp giữ gìn vệ sinh môi trường... được thảo luận thẳng thắn”.
Theo thống kê, năm 2023, toàn thành phố có 5.393 thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư và 579/579 xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị đại biểu nhân dân với hình thức phong phú, thu hút 769.247 đại biểu tham dự, ghi nhận 29.528 ý kiến phát biểu trực tiếp.
Ngoài ra, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh, Mặt trận Tổ quốc thành phố đã hướng dẫn việc triển khai thực hiện các tiêu chí; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng đô thị văn minh gắn với các mô hình dân vận khéo, dân vận chính quyền. Tiêu biểu là quận Thanh Xuân đang duy trì 86 mô hình, điển hình, như: “Con đường bích họa trong trật tự văn minh đô thị”; “Mỗi gia đình một bình cứu hỏa”; “Khu dân cư không có tụ điểm rác, chân rác, quảng cáo rao vặt”; quận Tây Hồ duy trì 149 “Ngõ văn minh đô thị” và 16 “Tuyến ngõ văn minh đô thị kiểu mẫu”...
Tại các huyện, Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng xây dựng được nhiều chuyên đề mới, góp phần làm sạch đẹp môi trường sống, xây dựng thị trấn văn minh đô thị. Như việc huyện Đan Phượng xây dựng mô hình "Thôn thông minh" sử dụng giao tiếp thông minh, thương mại điện tử, phát động cuộc thi "Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn" gắn với xây dựng tuyến đê kiểu mẫu…
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2012-2025” khẳng định, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện chương trình, diện mạo nông thôn, thành thị của Thủ đô không ngừng "thay da đổi thịt", cơ sở hạ tầng phát triển, nhiều trục đường, tuyến đường liên xã, liên thôn được thảm nhựa và mở rộng, nâng cấp, có hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh… Qua đó, tạo cảnh quan, không gian đáng sống cho nhân dân Thủ đô. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.