(HNM) - Những năm gần đây, nhiều tuyến phố trong nội thành Hà Nội đã không còn “mạng nhện”; nhiều khu đô thị đã hoàn toàn được ngầm hóa hệ thống dây điện và cáp viễn thông.
Không phải đến thời điểm này Hà Nội mới tiến hành hạ ngầm dây cáp viễn thông và điện lực. Công việc này đã triển khai nhiều năm nay và ngày càng được thực hiện quyết liệt hơn. Đây là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của thành phố, các sở, ngành và doanh nghiệp trong suốt những năm qua, nhưng kết quả chưa như mong muốn.
Từ năm 2016 đến nay, TP Hà Nội đã 3 lần phê duyệt chủ trương hạ ngầm tại 119 tuyến phố theo hình thức xã hội hóa, với 6 doanh nghiệp điện lực và viễn thông tham gia. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, hầu hết các doanh nghiệp thi công đều chậm tiến độ.
Thực trạng này có nhiều lý do mà nổi bật là việc hoàn thiện hồ sơ, đấu thầu, đàm phán hợp đồng của các doanh nghiệp mất nhiều thời gian. Việc cấp phép đào hè, đường không đồng nhất giữa các dự án. Chưa kể, việc bố trí nguồn vốn của một số doanh nghiệp còn bất cập. Trong quá trình thực hiện dự án, mặc dù các cơ quan chức năng đôn đốc, nhắc nhở, nhưng tại một số tuyến, các đơn vị điện lực, viễn thông vẫn chưa có sự phối hợp nhịp nhàng.
Sự chồng chéo, thiếu thống nhất đã dẫn đến tình trạng “đào lâu, lấp ẩu”, đơn vị này đào xong, lại có đơn vị khác đào lại khiến phố phường nhếch nhác, cuộc sống của người dân ven phố bị ảnh hưởng. Trong khi đó, một số chủ đầu tư, đơn vị thi công thiếu trách nhiệm, chưa dọn sạch đất, phế thải sau thi công… Thực trạng này gây mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị và gây lãng phí lớn cho xã hội, khiến người dân bức xúc…
Khắc phục hạn chế trên, từ năm 2018, TP Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp, thống nhất phương án thi công đồng thời trên cùng một tuyến phố. Trong việc này, Sở Xây dựng được giao là đầu mối chịu trách nhiệm xác định hướng tuyến, phương án tổ chức thi công, kiểm tra thống nhất biện pháp thi công chung và gửi Sở Giao thông - Vận tải cấp phép.
Sự thay đổi này tạo ra quy trình rõ, mạch lạc về đầu mối, trách nhiệm và sẽ khắc phục được những bất cập tồn tại bấy lâu.
Sau những chồng chéo trong việc hạ ngầm thời gian qua, đây quả là một giải pháp hay nhưng chưa phải đã hoàn toàn thuận lợi nếu thiếu sự phối hợp, thống nhất giữa các đơn vị. Ngầm hóa dây điện và cáp viễn thông là một khối lượng công việc lớn, liên quan đến nhiều ngành nên trong quá trình triển khai đòi hỏi các doanh nghiệp phải có “kịch bản” tổng thể về thời gian, phương pháp thực hiện và sẵn sàng về vốn. Trong “kịch bản” phải thể hiện rõ trách nhiệm từng đơn vị, rõ phần việc mỗi bên. Khi một đơn vị không hoàn thành, làm chậm tiến độ chung thì phải có chế tài cụ thể.
Bên cạnh đó, những tuyến phố đã hoàn thành hạ ngầm, các đơn vị liên quan cần kịp thời thanh thải đường dây, cắt bỏ các cột điện cũ và đồng bộ hóa với việc cải tạo, chỉnh trang đô thị như: Lát đá, trồng cây xanh, lắp đặt hệ thống chiếu sáng. Khi thi công hạ ngầm, nếu các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi vướng các công trình ngầm, nổi khác đang hiện hữu thì cơ quan chức năng cần tích cực tháo gỡ...
Và quan trọng nữa là ý thức và thái độ của người dân. Một mặt, người dân cần đồng thuận, tạo điều kiện khi các đơn vị thực hiện hạ ngầm hay đặt tủ điện. Mặt khác, cũng thể hiện trách nhiệm công dân trong việc phát hiện những điều bất thường (nếu có) khi các đơn vị thi công công trình.
Khi doanh nghiệp nỗ lực và trách nhiệm, người dân đồng thuận hưởng ứng thì chủ trương rút gọn thủ tục để đẩy nhanh tiến độ hạ ngầm cáp viễn thông và điện lực sẽ kiến tạo được diện mạo đẹp cho thành phố “không dây”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.